Những điểm mới trong chế độ thai sản từ 1/7/2025 theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024?
Những điểm mới trong chế độ thai sản từ 1/7/2025 theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024?
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Thứ nhất, đối với người tham gia BHXH bắt buộc:
(1) Mở rộng đối tượng hưởng chế độ thai sản:
- Viên chức quốc phòng
- Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023 có hưởng tiền lương hoặc không hưởng tiền lương;
- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất;
- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ.
- Vợ hoặc chồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cử đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được hưởng chế độ sinh hoạt phí.
- Người lao động nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau:
+ Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
+ Tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019;
+ Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
(2) Điều kiện hưởng chế độ thai sản (Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024):
Bổ sung trường hợp được hưởng chế độ thai sản gồm:
- Lao động nữ mang thai hộ đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải đóng BHXH bắt buộc từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con mới được hưởng chế độ thai sản.
- Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh.
(3) Tăng số ngày nghỉ việc để đi khám thai:
Từ 1/7/2025 số ngày mà mỗi lần lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tăng lên 02 ngày (tối đa) trong mọi trường hợp (Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội 2024) thay vì được nghỉ việc để đi khám thai mỗi lần 01 ngày như hiện nay (Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Hiện nay, lao động nữ được nghỉ việc mỗi lần 2 ngày chỉ được áp dụng khi ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường.
(4) Lao động nữ phá thai sẽ được hưởng chế độ thai sản trong mọi trường hợp:
Từ 1/7/2025 sẽ áp dụng chế độ thai sản cho mọi trường hợp phá thai (bao gồm phá thai bệnh lý và phá thai ngoài ý muốn) theo quy định tại Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Hiện nay, chỉ có trường hợp phá thai bệnh lý mới được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
(5) Thay đổi số tuần tuổi của thai để tính thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung (Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2024):
- Trường hợp được nghỉ việc 40 ngày nếu thai từ đủ 13 tuần tuổi đến dưới 22 tuần tuổi (hiện nay là từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi);
- Trường hợp được nghĩ việc 50 ngày nếu thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên (hiện nay là từ 25 tuần tuổi trở lên).
(6) Dùng mức tham chiếu để tính trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con nuôi và mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản:
- Trước 1/7/2025:
+ Mức trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con nuôi = 2 x Mức lương cơ sở (Căn cứ theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
+ Mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản = 30% x Mức lương cơ sở (Căn cứ theo Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
- Từ 1/7/2025 trở đi:
+ Mức trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con nuôi = 2 x Mức tham chiếu (Căn cứ theo Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội 2024).
+ Mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản = 30% x Mức tham chiếu (Căn cứ theo Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2024).
Thứ hai, đối với người tham gia BHXH tự nguyện:
Từ 1/7/2025 người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng tiền trợ cấp thai sản (Căn cứ theo Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2024).
Mức trợ cấp thai sản là 2.000.000 đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ (Căn cứ theo Điều 95 Luật Bảo hiểm xã hội 2024).
Hiện nay, chỉ có người tham gia BHXH bắt buộc mới được hưởng chế độ thai sản (Căn cứ theo Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Những điểm mới trong chế độ thai sản từ 1/7/2025 theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024? (Hình từ Internet)
Áp dụng mức tham chiếu để tính các chế độ thai sản như thế nào?
Căn cứ theo Điều 7 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau:
Mức tham chiếu
1. Mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quyết định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội quy định trong Luật này.
2. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Và căn cứ theo khoản 13 Điều 141 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau:
Quy định chuyển tiếp
...
13. Khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu quy định tại Luật này bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó.
...
Theo đó, mức tham chiếu để tính các chế độ thai sản bằng mức lương cơ sở khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở.
Trường hợp mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó.
Từ 1/7/2025 quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội gồm những nội dung gì?
Theo quy định tại Điều 133 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, từ 1/7/2025 quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội gồm những nội dung sau:
- Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Thực hiện công tác thống kê nhà nước về bảo hiểm xã hội.
- Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực về bảo hiểm xã hội.
- Tổ chức bộ máy thực hiện bảo hiểm xã hội.
- Cơ chế tài chính, tài chính quỹ bảo hiểm xã hội.
- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Sơ kết, tổng kết, khen thưởng về bảo hiểm xã hội.
- Hợp tác quốc tế về bảo hiểm xã hội.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?