Thử việc nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương có được tính lương hay không?
- Thử việc nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương có được tính lương hay không?
- Lương của người lao động trong quá trình thử việc bằng bao nhiêu lương chính thức?
- Trả lương cho người lao động thử việc thấp hơn 85% mức lương chính thức thì người sử dụng lao động bị phạt bao nhiêu tiền?
- Tiền lương thử việc có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?
Thử việc nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương có được tính lương hay không?
Tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về ngày nghỉ lễ, tết như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Có thể thấy theo quy định của pháp luật, người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mà không phân biệt là người lao động chính thức hay người lao động đang thử việc.
Vì vậy, người lao động thử việc nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương vẫn sẽ được tính hưởng nguyên lương cho ngày nghỉ đó.
Người lao động thử việc nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương có được tính lương hay không? (Hình từ Internet)
Lương của người lao động trong quá trình thử việc bằng bao nhiêu lương chính thức?
Căn cứ theo Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương thử việc như sau:
Tiền lương thử việc
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Theo đó, lương của người lao động trong quá trình thử việc ít nhất phải bằng 85% mức lương chính thức của công việc đó khi 2 bên thỏa thuận.
Trả lương cho người lao động thử việc thấp hơn 85% mức lương chính thức thì người sử dụng lao động bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về mức phạt tiền khi vi phạm quy định về thử việc:
Vi phạm quy định về thử việc
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng;
b) Không thông báo kết quả thử việc cho người lao động theo quy định.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc;
b) Thử việc quá thời gian quy định;
c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;
d) Không giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi thử việc đạt yêu cầu đối với trường hợp hai bên có giao kết hợp đồng thử việc.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a, b, c khoản 2 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt quy định trên là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức sẽ bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo đó, khi người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó sẽ bị xử phạt như sau:
- Trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
- Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Đồng thời ngoài việc bị phạt tiền, người sử dụng lao động còn buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là phải trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động khi có hành vi vi phạm.
Tiền lương thử việc có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 quy định những khoản thu nhập chịu thuế như sau:
Thu nhập chịu thuế
...
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.
...
Theo đó, thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công cũng được xem là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Vì vậy trong thời gian thử việc, người thử việc nhận được tiền lương thì phải chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?