Giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn nhiều hơn 02 lần đối với người lao động cao tuổi được không?
Giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn nhiều hơn 02 lần đối với người lao động cao tuổi được không?
Căn cứ theo điểm c khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Loại hợp đồng lao động
2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:
...
c) Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
Như vậy, theo quy định pháp luật, khi người lao động đã giao kết hợp đồng lao động có xác định thời hạn 01 lần mà hợp đồng lao động này hết hạn thì chỉ được phép ký kết hợp đồng lao động mới có xác định thời hạn thêm 01 lần nữa.
Trường hợp vẫn tiếp tục làm việc sau khi hết thời hạn hợp đồng lao động có xác định thời hạn lần 02 thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong lần kế tiếp, trừ các trường hợp người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 của Bộ luật Lao động 2019.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 149 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Sử dụng người lao động cao tuổi
1. Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
2. Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.
3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.
Theo đó, pháp luật quy định người sử dụng lao động cao tuổi có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Như vậy, tuy pháp luật quy định chỉ được ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn tối đa 02 lần, từ lần thứ 03 phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, nhưng đối với người lao động cao tuổi thì người sử dụng lao động cao tuổi có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn nhiều hơn 02 lần đối với người lao động cao tuổi được không?
Người lao động như thế nào được xem là người lao động cao tuổi?
Căn cứ theo Điều 148 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Người lao động cao tuổi
1. Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này.
2. Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
3. Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Như vậy, người lao động được xem là người lao động cao tuổi khi vẫn tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019.
Tuổi nghỉ hưu của người lao động được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Theo đó, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ngoài ra, người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Chỉ thị 01: Cải cách tiền lương năm 2025 đối với cán bộ công chức viên chức, các đơn vị địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn thế nào?
- Chốt tăng lương, nâng bậc lương cho 09 đối tượng trong bảng lương mới theo nguyên tắc nào?
- Chính thức lịch nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương 2025: Người lao động, cán bộ công chức viên chức được nghỉ thế nào theo Bộ luật Lao động?
- Chốt 02 bảng lương mới công chức viên chức, 03 bảng lương lực lượng vũ trang được xác định mức tiền lương cụ thể căn cứ trên việc mở rộng quan hệ tiền lương ra sao?
- Chính thức lương hưu 2025: Tăng hơn 3500000 đồng cho người lao động nghỉ hưu trước 1995 trong trường hợp đề xuất Chính phủ được chấp nhận, cụ thể ra sao?