Độ tuổi để xác định đối với người lao động chưa thành niên là từ bao nhiêu?
Độ tuổi để xác định đối với người lao động chưa thành niên là từ bao nhiêu?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 143 Bộ luật Lao động 2019 quy định về lao động chưa thành niên như sau:
Lao động chưa thành niên
1. Lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi.
2. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được làm công việc hoặc làm việc ở nơi làm việc quy định tại Điều 147 của Bộ luật này.
3. Người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
4. Người chưa đủ 13 tuổi chỉ được làm các công việc theo quy định tại khoản 3 Điều 145 của Bộ luật này.
Theo đó, lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi.
Như vậy, độ tuổi để xác định đối với người lao động chưa thành niên là dưới 18 tuổi.
Người lao động từ đủ 18 tuổi có được xem là lao động chưa thành niên hay không? (Nguồn từ Internet)
Lao động chưa thành niên được làm những công việc gì?
Căn cứ theo Điều 143 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
(1) Đối với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi
Được làm mọi công việc, ngoại trừ những công việc sau:
- Mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên;
- Sản xuất, kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc chất gây nghiện khác;
- Sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ;
- Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc;
- Phá dỡ các công trình xây dựng;
- Nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại;
- Lặn biển, đánh bắt thủy, hải sản xa bờ;
- Công việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên.
Danh mục công việc gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH: Tải về
(2) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi
Chỉ được làm công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
Danh mục công việc nhẹ người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm được hướng dẫn bởi Điều 8 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH: Tải về
(3) Đối với người chưa đủ 13 tuổi
Chỉ được làm các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Ai có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động đối với người lao động chưa thành niên?
Căn cứ Điều 18 Bộ luật Lao động 2019, thẩm quyền giao kết hợp đồng đối với người lao động chưa thành niên được quy định như sau:
(1) Đối với người sử dụng lao động
Thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động thuộc về:
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
- Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
- Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.
(2) Đối với người lao động
- Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó.
- Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó.
Tải Mẫu giấy ủy quyền giao kết hợp đồng lao động mới nhất tại đây: Tải về
Khi nào có thể thuê người lao động chưa thành niên làm việc?
Căn cứ theo Điều 146 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Thời giờ làm việc của người chưa thành niên
1. Thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.
2. Thời giờ làm việc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
Theo đó, đối với người chưa đủ 15 tuổi, thời gian làm việc không quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ và làm việc vào ban đêm.
Đối với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, thời gian làm việc không được quá 08 giờ trong 01 và 40 giờ trong 01 tuần. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trường Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành.
Như vậy, người sử dụng lao động có thể thuê người lao động chưa thành niên làm việc. Tuy nhiên, đối với các trường hợp sử dụng lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động đặc biệt chú ý đến các quy định về công việc được phép thuê người lao động chưa thành niên.
Bên cạnh đó người sử dụng lao động còn phải tuân thủ theo các nguyên tắc sử dụng lao động và nguyên tắc về giờ giấc làm việc đối với người lao động chưa thành niên để không vi phạm pháp luật.
Tải Danh mục nghề, công việc người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm được hướng dẫn bởi Điều 10 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH tại đây: Tải về





- Chính thức quyết định bỏ lương cơ sở 2,34 triệu, triển khai thực hiện thiết kế cơ cấu tiền lương bổ sung 01 khoản tiền cho CBCCVC và LLVT sau 2026, cụ thể ra sao?
- Công văn 1814: Chính thức tinh giản biên chế CBCCVC, cơ cấu lại đồng thời nâng cao chất lượng CBCCVC như thế nào?
- Thống nhất trường hợp không nâng lương trước khi nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ công chức, cụ thể như thế nào theo Công văn 1814?
- Khuyến khích nghỉ trước đối với cán bộ công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn nào theo Công văn 1814?
- Thống nhất bãi bỏ toàn bộ hệ số lương, lương cơ sở, xác định mức lương mới của CBCCVC và LLVT thay thế trong bảng lương chiếm 70% tổng quỹ lương sau năm 2026 có đúng không?