Định mức lao động trực tiếp là gì? Cách tính định mức lao động trực tiếp tại cơ sở y tế công lập thế nào?
Định mức lao động trực tiếp là gì?
Theo Điều 2 Thông tư 41/2024/TT-BYT quy định:
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập là các dịch vụ trong lĩnh vực kiểm dịch y tế, y tế dự phòng do đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về giá.
2. Định mức vật tư trực tiếp là mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, công cụ, thuốc, hóa chất, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng và các vật tư khác (sau đây gọi tắt là vật tư) sử dụng trực tiếp để thực hiện 01 (một) dịch vụ.
3. Định mức lao động trực tiếp là mức hao phí về số lượng người lao động (bao gồm cá nhân công thuê ngoài), thời gian lao động cần thiết được sử dụng trực tiếp để thực hiện 01 (một) dịch vụ.
Theo đó định mức lao động trực tiếp là mức hao phí về số lượng người lao động (bao gồm cá nhân công thuê ngoài), thời gian lao động cần thiết được sử dụng trực tiếp để thực hiện một dịch vụ.
Cách tính định mức lao động trực tiếp tại cơ sở y tế công lập thế nào?
Theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 41/2024/TT-BYT quy định thì định mức lao động trực tiếp được tính như sau:
- Xác định thời gian lao động được tính bằng giờ của từng vị trí làm việc. Mỗi vị trí làm việc được xác định theo chức danh nghề nghiệp, ngạch, bậc hoặc chuyên môn (nếu có) của người lao động;
- Xác định hao phí lao động của từng vị trí làm việc để thực hiện 01 dịch vụ theo phương pháp như:
+ Phương pháp tiêu chuẩn: xây dựng định mức trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
+ Phương pháp thống kê, tổng hợp: xây dựng định mức trên cơ sở phân tích các số liệu thu thập được ở các thời gian trước (trong 3 năm liền kề) về mức tiêu hao vật tư, lao động trực tiếp để thực hiện 01 (một) dịch vụ.
+ Phương pháp phân tích, thực nghiệm: xây dựng định mức dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn thông qua khảo sát tại đơn vị (chụp ảnh, bấm giờ, kỹ thuật đo lường khác) khi xác định về mức tiêu hao vật tư, lao động trực tiếp để thực hiện 01 (một) dịch vụ.
+ Phương pháp chuyên gia: sử dụng kinh nghiệm của chuyên gia trong lĩnh vực để đánh giá các yêu cầu kỹ thuật, nội dung công việc cần thực hiện để đưa ra mức tiêu hao vật tư, lao động trực tiếp để thực hiện 01 (một) dịch vụ.
- Cách xác định định mức lao động trực tiếp của mỗi vị trí làm việc để thực hiện 01 dịch vụ trong trường hợp thực hiện đồng thời hơn 01 dịch vụ tại một thời điểm.
Định mức lao động trực tiếp của mỗi vị trí làm việc = Tổng thời gian lao động trực tiếp của vị trí làm việc để thực hiện dịch vụ / Số lượt dịch vụ thực hiện
Lưu ý: Thông tư 41/2024/TT-BYT có hiệu lực từ 13/01/2025.
Định mức lao động trực tiếp là gì? Cách tính định mức lao động trực tiếp tại cơ sở y tế công lập thế nào? (Hình từ Internet)
Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề tối đa đối với viên chức ngành y tế tại cơ sở y tế công lập bao nhiêu?
Theo Điều 1 Nghị định 56/2011/NĐ-CP, viên chức ngành y tế trong các cơ sở sự nghiệp y tế công lập được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Theo Điều 3 Nghị định 56/2011/NĐ-CP (được bổ sung bởi Điều 1 Nghị định 05/2023/NĐ-CP và một số nội dung bị thay thế bởi khoản 7 Điều 147 Nghị định 96/2023/NĐ-CP) quy định:
Mức phụ cấp ưu đãi
1. Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau đây:
a) Xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần;
b) Giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh lý.
2. Mức phụ cấp 60% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau đây:
a) Khám, điều trị, chăm sóc người bệnh cấp cứu, hồi sức cấp cứu, cấp cứu 115, truyền nhiễm;
b) Xét nghiệm, phòng chống bệnh truyền nhiễm;
c) Kiểm dịch y tế biên giới.
3. Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh gây mê hồi sức, điều trị tích cực, nhi, chống độc, bỏng và da liễu.
4. Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này.
5. Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với công chức, viên chức sau đây:
a) Công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế để thực hiện các công việc: truyền thông giáo dục sức khỏe; dân số - kế hoạch hóa gia đình;
b) Công chức, viên chức quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở, viện, bệnh viện chuyên khoa, các trung tâm: HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh lý, pháp y.
6. Đối với công chức, viên chức không trực tiếp làm chuyên môn y tế; công chức, viên chức y tế làm công tác quản lý, phục vụ tại các đơn vị sự nghiệp y tế nói chung (trừ đối tượng quy định tại điểm b khoản 5 Điều này), viên chức làm công tác chuyên môn y tế tại cơ quan, đơn vị, trường học thì thủ trưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu để xem xét, quyết định nhưng không vượt quá mức 20% so với mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng.
7. Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023:
a) Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
b) Trong thời gian áp dụng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở quy định tại khoản 7 này thì không áp dụng quy định tại điểm c khoản 2 và quy định đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng tại khoản 4 Điều 3.
Theo đó hiện nay mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức ngành y tế bao gồm: 30%, 40%, 50%, 60%, 70% và một mức phụ cấp do thủ trưởng đơn vị quyết định nhưng không quá 20% so với mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của viên chức được hưởng.
Có thể thấy, hiện nay mức phụ cấp ưu đãi theo nghề tối đa đối với viên chức ngành y tế tại các cơ sở y tế công lập là 70%.
Lưu ý: Mức hưởng 100% chỉ áp dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023 nên hiện nay không còn mức hưởng 100% đối với phụ cấp ưu đãi theo nghề của viên chức ngành y tế tại các cơ sở y tế công lập.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?