02 khoản tiền người lao động cao tuổi không được nhận khi nghỉ việc, cụ thể ra sao?
02 khoản tiền người lao động cao tuổi không được nhận khi nghỉ việc, cụ thể ra sao?
Người lao động cao tuổi khi nghỉ việc sẽ không được nhận 02 khoản tiền sau:
1. Tiền trợ cấp thôi việc
Tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
...
Theo quy định trên, nếu đã đủ điều kiện hưởng lương hưu thì người lao động cao tuổi sẽ không được doanh nghiệp nơi mình làm việc chi trả trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Lưu ý: Nếu chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu thì người lao động cao tuổi vẫn được chi trả trợ cấp thôi việc. Điều này đồng nghĩa rằng, nếu đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đóng bảo hiểm xã hội đủ thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu thì người lao động vẫn được lấy tiền trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Tiền trợ cấp thất nghiệp
Tại khoản 1 Điều 49 Luật Việc làm 2013 có quy định như sau:
Điều kiện hưởng
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
...
Theo đó, nếu đã được giải quyết hưởng lương hưu hằng tháng thì người lao động cao tuổi sẽ không được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc.
Đối với trường hợp đang hưởng lương hưu nhưng vẫn đi làm, mặc dù không được hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng đây cũng không phải điều quá thiệt thòi bởi theo khoản 2 Điều 43 Luật Việc làm 2013, người lao động đang hưởng lương hưu thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Mặc khác, khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định, đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động phải chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Như vậy, dù không được hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc, người lao động đang hưởng lương hưu đi làm sẽ được trả thêm cùng với lương một số tiền tương ứng bằng 1% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Lưu ý: Nếu chưa hưởng lương hưu hằng tháng, người lao động cao tuổi vẫn được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013.
02 khoản tiền người lao động cao tuổi không được nhận khi nghỉ việc, cụ thể ra sao?
Có giới hạn về loại hợp đồng ký kết với người lao động cao tuổi hay không?
Tại Điều 149 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Sử dụng người lao động cao tuổi
1. Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
...
Hiện nay, Bộ luật Lao động 2019 không quy định giới hạn về loại hợp đồng ký kết với người lao động cao tuổi. Khi sử dụng lao động cao tuổi, người sử dụng lao động có thể thỏa thuận ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc ký nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn tùy thuộc vào nhu cầu của các bên mà không bị giới hạn chỉ 02 lần như đối với các trường hợp thông thường.
Thời giờ làm việc của người lao động cao tuổi tối đa là bao nhiêu giờ?
Tại Điều 148 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Người lao động cao tuổi
1. Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này.
2. Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
3. Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Theo quy định nêu trên, thời giờ làm việc của người lao động cao tuổi được xác dựa trên quy định về thời giờ làm việc của người lao động và thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động.
Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
...
Theo đó, trong điều kiện bình thường, thời gian làm việc của người lao động không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần, được nhà nước quy định để đảm bảo sức khỏe, tinh thần, cân bằng cuộc sống cho người lao động.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?