Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động là gì? Công ty có phải trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động không?
Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động là gì?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
- Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
+ Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
+ Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
+ Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
+ Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
- Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
+ Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
+ Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động
Công ty có phải trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động không?
Theo khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
"Điều 21. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.
3. Giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 45 và Điều 55 của Luật này đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.
4. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.
5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
6. Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.
7. Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.
8. Hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật này."
Công ty không trả lại sổ BHXH cho người lao động cần thực hiện những biện pháp nào?
Trường hợp sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, Công ty không thực hiện nghĩa vụ trả lại sổ BHXH cho anh thì anh có thể thực hiện 01 trong 02 biện pháp sau:
Thứ nhất, thực hiện khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động thì:
- Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện việc chốt, trả sổ bảo hiểm khi chấm dứt hợp đồng lao động anh có thể gửi đơn khiếu nại lần đầu đến giám đốc của doanh nghiệp để được giải quyết.
- Trong trường hợp, sau 07 làm việc kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Công ty không giải quyết khiếu nại hoặc giải quyết nhưng anh không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì anh có thể gửi đơn khiếu nại lần hai đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi Công ty đặt trụ sở chính.
Thứ hai, có thể gửi đơn khởi kiện trực tiếp đến Tòa án
Trong trường hợp anh nhận định không thể khiếu nại thì anh gửi đơn khởi kiện đến Tòa án cấp huyện nơi Công ty đặt trụ sở và thủ tục thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nguyên tắc làm việc của Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành VII là gì? Quy định về xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm ra sao?
- Mẫu Biên bản cuộc họp giữa 2 công ty mới nhất? Hướng dẫn viết biên bản cuộc họp giữa 2 công ty?
- Tổ chức truyền dạy của chủ thể di sản văn hóa phi vật thể có thể truyền dạy cho người ngoài cộng đồng được không?
- Xe gắn máy có thuộc đối tượng được miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định hiện nay không?
- Thế chấp tàu biển là gì? Nguyên tắc thế chấp tàu biển Việt Nam được pháp luật quy định thế nào?