Người lao động đi trễ công ty trừ lương có đúng không?

Trong thực tế, có rất nhiều các trường hợp người lao động đi trễ so với thời gian làm việc quy định, trong các trường hợp này, các doanh nghiệp có được quyền trừ lương, giảm lương của người lao động hay không?

Người lao động đi trễ công ty trừ lương có đúng không?

Căn cứ khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

Nguyên tắc trả lương
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

Căn cứ khoản 1 Điều 95 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

Trả lương
1. Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.

Căn cứ khoản 1 Điều 102 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

Khấu trừ tiền lương
1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 129 của Bộ luật này.

Căn cứ Điều 124 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

Hình thức xử lý kỷ luật lao động
1. Khiển trách.
2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
3. Cách chức.
4. Sa thải.

Căn cứ khoản 2 Điều 127 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động
2. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

Từ các quy định trên, nguyên tắc trả lương là người sử dụng lao động phải trả đúng, đủ tiền lương đã thỏa thuận theo hình thức trả lương mà các bên đã lựa chọn.

Đồng thời, pháp luật lao động cũng chỉ cho phép người sử dụng lao động tự ý khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động do người lao động gây ra.

Bên cạnh đó, các hình thức xử lý kỷ luật lao động cũng không có quy định cho phép người sử dụng lao động được trừ lương người lao động mà pháp luật lao động còn quy định việc trừ lương người lao động khi xử lý kỷ luật lao động là hành vi bị nghiêm cấm.

Bản chất, việc đi trễ là người lao động không tuân thủ thời gian làm việc mà công ty đưa ra, cũng như các bên đã thỏa thuận, hành vi này có thể cấu thành một vi phạm kỷ luật lao động.

Nhưng, khi công ty lựa chọn xử lý kỷ luật người lao động với hành vi đi trễ thì cũng chỉ có thể xem xét xử lý theo các hình thức quy định tại Điều 124 Bộ luật Lao động 2019 chứ không được phép trừ lương người lao động để thay thế cho hình thức xử lý kỷ luật.

Tuy nhiên, hành vi đi trễ nếu lặp đi lặp lại và diễn biến với nhiều người lao động thì sẽ rất ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp, các biện pháp xử lý kỷ luật lao động đối với hành vi này có thể chưa đủ mức răn đe đối với người lao động.

Do đó, nếu như doanh nghiệp muốn xử lý trừ lương người lao động như một cách thức để nhắc nhở tinh thần kỷ luật của người lao động khi làm việc mà không bị xem là vi phạm pháp luật lao động thì có thể xem xét cách thức sau:

Theo khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 thì tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Tại Điều 103 Bộ luật Lao động 2019 có quy định các khoản trợ cấp, phụ cấp là do các bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.

Từ các quy định trên, có thể hiểu, pháp luật lao động quy định tiền lương bao gồm cơ cấu các khoản tiền lương cơ bản, phụ cấp và các khoản bổ sung khác, các khoản này pháp luật cho phép các bên khi tham gia giao kết hợp đồng lao động được quyền thỏa thuận với nhau.

Do đó, công ty hoàn toàn có thể tính toán, phân bổ lại cơ cấu tiền lương của người lao động, xem xét thỏa thuận, bổ sung các khoản phụ cấp với điều kiện và mức hưởng cụ thể.

Ví dụ như: Công ty có thể bổ sung khoản phụ cấp chuyên cần, trong đó đưa ra điều kiện hưởng là người lao động phải đi làm đầy đủ, không có ngày đi trễ hoặc số ngày đi trễ giới hạn trong một số lượng nhất định thì người lao động được hưởng khoản phụ cấp theo mức đã ấn định.

Như vậy, khi người lao động không tuân thủ quy định của công ty, đi trễ thì công ty có thể xem xét không chi trả khoản phụ cấp chuyên cần cho người lao động, việc này hoàn toàn không trái quy định pháp luật.

Người lao động đi trễ công ty trừ lương có đúng không?

Người lao động đi trễ công ty trừ lương có đúng không?

Người sử dụng lao động tự ý trừ lương người lao động đi trễ thì có bị xử phạt không?

Theo như nội dung phân tích trên, trường hợp người sử dụng lao động lựa chọn trừ lương người lao động khi đi trễ như một hình thức xử lý kỷ luật thì hành vi này được xem là vi phạm pháp luật lao động.

Người sử dụng lao động có rủi ro bị xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP và bị buộc phải trả lại cho người lao động khoản tiền đã khấu trừ hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động, cụ thể như sau:

Vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:
b) Dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;
4. Biện pháp khắc phục hậu quả
d) Buộc người sử dụng lao động trả lại khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

Những thời gian nào được xem là thời gian làm việc để tính hưởng lương?

Theo quy định tại Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương bao gồm:

(1) Nghỉ giữa giờ quy định khoản 2 Điều 64 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

(2) Nghỉ giải lao theo tính chất của công việc.

(3) Nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người.

(4) Thời giờ nghỉ đối với lao động nữ khi mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trong thời gian hành kinh theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019.

(5) Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động.

(6) Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý.

(7) Thời giờ người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019.

(8) Thời giờ mà người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 176 Bộ luật Lao động 2019.

(9) Thời giờ khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu thời giờ đó được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động.

(10) Thời giờ đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự, nếu thời giờ đó được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.

Trừ lương
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Lao động tiền lương
Người lao động đi trễ công ty trừ lương có đúng không?
Lao động tiền lương
Người lao động chơi game trong giờ làm việc có bị trừ lương không?
Lao động tiền lương
Người lao động đi làm trễ doanh nghiệp có được trừ lương hay không?
Lao động tiền lương
Có được trừ lương người lao động đang thực hiện đình công hay không?
Lao động tiền lương
Người lao động đi làm muộn thì công ty có được trừ lương hay không?
Đi đến trang Tìm kiếm - Trừ lương
19 lượt xem
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào