Hướng dẫn người lao động tra mã bảo hiểm y tế?
Hướng dẫn người lao động tra mã bảo hiểm y tế?
Người lao động truy cập đường link sau:
https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/tra-cuu-ho-gia-dinh.aspx
Sau đó điền đầy đủ thông tin hệ thống yêu cầu như sau:
Bước 1: Điền thông tin hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú của bạn. Kích vào tùy chọn sẽ ra mã mặc định. Tỉnh/TP là thông tin phải có.
Bước 2: Điền thông tin của người cần tra cứu. Họ tên là bắt buộc cùng với tùy chọn ngày tháng năm sinh. Nếu tên có đầy đủ dấu, kích chọn phần có dấu.
Bước 3: Điền mã số BHXH (nếu có). Kích chọn vào ô "Tôi không phải là người máy" để xác minh thông tin. Sau đó kích vào ô "Tra cứu" để xem kết quả.
Bước 4: Khi thông tin hợp lệ, hệ thống sẽ tự động trả về bảng kết quả tra cứu bên dưới.
Mã thẻ BHYT gồm 15 ký tự, trong đó:
- 10 ký tự cuối là mã số BHXH duy nhất của mỗi người trong suốt quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN, Bảo hiểm tai nạn lao động, Bệnh nghề nghiệp.
- 5 ký tự đầu của mã thẻ BHYT sẽ thay đổi khi có sự điều chỉnh về nhóm tham gia, mức quyền lợi hưởng BHYT tương ứng của người tham gia BHYT. Trong đó 2 chữ cái đầu tiên ở ô thứ nhất là mã đối tượng của người tham gia. Chữ số ở ô thứ 2 tiếp theo là mã quyền lợi của người tham gia; chữ số ở ô thứ 3 là mã tỉnh/TP nơi phát hành thẻ BHYT.
Trường hợp các thông tin điền chưa đúng hoặc chưa đủ, bạn sẽ được nhắc nhở điền những thông tin còn thiếu.
Bước 5: Khi muốn thực hiện lại quá trình tra cứu, kích vào ô "Nhập lại".
Hướng dẫn người lao động tra mã bảo hiểm y tế? (Hình từ Internet)
Thẻ bảo hiểm y tế phải có những nội dung gì?
Căn cứ Điều 12 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định về thẻ bảo hiểm y tế, cụ thể như sau:
Thẻ bảo hiểm y tế
Thẻ bảo hiểm y tế do cơ quan bảo hiểm xã hội phát hành, phản ánh được các thông tin sau:
1. Thông tin cá nhân của người tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm: Họ và tên; giới tính; ngày tháng năm sinh; địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc.
2. Mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định tại Điều 14 Nghị định này.
3. Thời điểm thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng.
4. Nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu.
5. Thời gian tham gia bảo hiểm y tế 05 năm liên tục trở lên đối với đối tượng phải cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ bảo hiểm y tế lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng.
Người được cơ quan có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, làm việc hoặc theo chế độ phu nhân, phu quân hoặc con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi đi theo bố hoặc mẹ công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thì thời gian ở nước ngoài được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế.
Người lao động khi đi lao động ở nước ngoài thì thời gian đã tham gia bảo hiểm y tế trước khi đi lao động ở nước ngoài được tính là thời gian đã tham gia bảo hiểm y tế nếu tham gia bảo hiểm y tế khi về nước trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Người lao động trong thời gian làm thủ tục chờ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Luật việc làm thì thời gian đã tham gia bảo hiểm y tế trước đó được tính là thời gian đã tham gia bảo hiểm y tế.
Đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 của Luật bảo hiểm y tế khi nghỉ hưu, xuất ngũ, chuyển ngành hoặc thôi việc, nếu thời gian học tập, công tác trong quân đội nhân dân, công an nhân dân và tổ chức cơ yếu chưa tham gia bảo hiểm y tế thì thời gian đó được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục.
6. Ảnh của người tham bảo hiểm y tế (trừ trẻ em dưới 6 tuổi) đối với trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế không có giấy tờ xác nhận nhân thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc Giấy xác nhận của Công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nơi quản lý học sinh, sinh viên, hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác.
Theo đó, thẻ bảo hiểm y tế do cơ quan bảo hiểm xã hội phát hành, nội dung trên thẻ bảo hiểm y tế phải phản ánh được các thông tin nêu trên.
Công ty có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế cho những người lao động nào?
Theo khoản 1 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
...
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014) quy định như sau:
Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);
...
Như vậy, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?