Biệt phái viên chức có phải là hình thức kỷ luật viên chức không? Thời hạn biệt phái viên chức tối đa là bao lâu?
Biệt phái viên chức có phải là hình thức kỷ luật viên chức không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 36 Luật Viên chức 2010 quy định:
Biệt phái viên chức
1. Biệt phái viên chức là việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc biệt phái viên chức.
...
Ngoài ra, khoản 1 Điều 52 Luật Viên chức 2010 có quy định:
Các hình thức kỷ luật đối với viên chức
1. Viên chức vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Cách chức;
d) Buộc thôi việc.
...
Chiếu theo quy định trên, biệt phái viên chức là việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định.
Và biệt phái viên chức cũng không thuộc một trong các hình thức kỷ luật viên chức.
Như vậy, biệt phái viên chức là việc viên chức được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong một thời hạn nhất định và đây không phải là một hình thức kỷ luật đối với viên chức.
Biệt phái viên chức có phải là hình thức kỷ luật viên chức không? Thời hạn biệt phái viên chức tối đa là bao lâu?
Thời hạn biệt phái viên chức tối đa là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Viên chức 2010, thời hạn cử viên chức biệt phái không được quá 03 năm, trừ một số ngành, lĩnh vực do Chính phủ quy định.
Theo đó, trong thời gian biệt phái, viên chức được cử biệt phái phải chịu sự phân công công tác và quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà mình được cử đến.
Viên chức biệt phái sẽ được đơn vị sự nghiệp công lập đã cử mình đi biệt phái đảm bảo tiền lương và các quyền lợi của viên chức.
Ngoài ra, nếu viên chức được cử đi biệt phái ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
Sau khi hết thời hạn biệt phái, viên chức trở về đơn vị cũ công tác và sẽ được người đứng đầu đơn vị bố trí việc làm.
Lưu ý: Viên chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi sẽ được miễn cử đi biệt phái.
Trình tự, thủ tục biệt phái viên chức được thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo Điều 27 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP quy định:
Biệt phái viên chức
1. Việc biệt phái viên chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Theo nhiệm vụ đột xuất, cấp bách;
b) Để thực hiện công việc cần giải quyết trong một thời gian nhất định.
2. Thời gian biệt phái viên chức không quá 03 năm. Đối với ngành, lĩnh vực đặc thù, thời gian biệt phái thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Khi hết thời gian biệt phái thì cơ quan, đơn vị nơi cử viên chức đi biệt phái xem xét, quyết định việc kết thúc hoặc gia hạn thời gian biệt phái đối với viên chức.
3. Viên chức được cử biệt phái chịu sự phân công, bố trí, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến biệt phái.
4. Thẩm quyền biệt phái viên chức:
a) Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quy định tại Điều 7 Nghị định này quyết định việc biệt phái viên chức.
b) Việc biệt phái viên chức làm công việc ở vị trí việc làm của công chức phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức.
5. Trình tự, thủ tục biệt phái viên chức:
a) Bước 1: Trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo nơi tiếp nhận viên chức biệt phái;
b) Bước 2: Gặp viên chức để trao đổi về chủ trương biệt phái và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể;
c) Bước 3: Trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
6. Viên chức biệt phái được hưởng quyền lợi quy định tại khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 36 Luật Viên chức. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến biệt phái có chế độ, chính sách đặc thù thì ngoài lương và các quyền lợi khác do cơ quan, đơn vị cử viên chức biệt phái chi trả, viên chức còn được hưởng các chế độ, chính sách đặc thù do cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi nhận biệt phái chi trả.
Như vậy, theo quy định trên, trình tự, thủ tục biệt phái viên chức được thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo nơi tiếp nhận viên chức biệt phái;
Bước 2: Gặp viên chức để trao đổi về chủ trương biệt phái và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể;
Bước 3: Trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?