Yêu cầu bàn giao công việc trước khi chấm dứt hợp đồng thử việc? Bồi thường thiệt hại trong quá trình thử việc?
- Lao động thử việc có phải bàn giao công việc trước khi chấm dứt hợp đồng thử việc?
- Chấm dứt thử việc mới phát hiện có xảy ra thất thoát tài sản trong thời gian thử việc thì áp dụng luật lao động để giải quyết không?
- Bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo quy định của pháp luật dân sự được quy định ra sao?
Lao động thử việc có phải bàn giao công việc trước khi chấm dứt hợp đồng thử việc?
Tại Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 có đề cập về kết thúc thời gian thử việc như sau:
Kết thúc thời gian thử việc
1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Từ quy định này có thể thấy rằng việc chấm dứt thử việc theo ý chí của mỗi bên, Luật không ràng buộc điều kiện nào (bao gồm cả việc bàn giao). Do đó, dù không bàn giao thì cá nhân đó cũng có quyền chấm dứt thử việc trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Yêu cầu bàn giao công việc trước khi chấm dứt hợp đồng thử việc? Bồi thường thiệt hại trong quá trình thử việc? (Hình từ internet)
Chấm dứt thử việc mới phát hiện có xảy ra thất thoát tài sản trong thời gian thử việc thì áp dụng luật lao động để giải quyết không?
Tại Điều 129 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 130 Bộ luật Lao động 2019 quy định về bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động như sau:
Điều 129. Bồi thường thiệt hại
1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.
Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Bộ luật này.
2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.
Điều 130. Xử lý bồi thường thiệt hại
1. Việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.
2. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, thời hiệu xử lý việc bồi thường thiệt hại.
Theo đó, hai quy định về bồi thường thiệt hại nêu trên chỉ áp dụng trong trường hợp đã phát sinh hợp đồng lao động và nhân viên đã trở thành người lao động của công ty.
Do vậy, công ty đã chấm dứt thử việc mới phát hiện có xảy ra thất thoát tài sản trong thời gian thử việc, việc bồi thường sẽ được căn cứ theo thỏa thuận của hai bên, trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định của pháp luật dân sự để giải quyết.
Bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo quy định của pháp luật dân sự được quy định ra sao?
Tại Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ như sau:
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ
Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Như vậy, trường hợp nhân viên thử việc gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.
Tuy nhiên nếu việc nhân viên thử việc vi phạm nghĩa vụ do lỗi của công ty thì nhân viên này chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình theo quy định tại Điều 363 Bộ luật Dân sự 2015:
Bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên bị vi phạm có lỗi
Trường hợp vi phạm nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trong hợp đồng EPC, nhà thầu có phải chịu bồi thường rủi ro tổn hại thân thể đối với bất cứ người nào do nguyên nhân thi công không?
- Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu cấm nhập khẩu được quy định như thế nào? Hồ sơ cấp Giấy phép quá cảnh hàng hóa bao gồm?
- Chức năng của Quân đội nhân dân Việt Nam là gì? Công dân có quyền và nghĩa vụ gì về quốc phòng?
- https//baocaovien vn thi trực tuyến Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 đăng nhập thế nào?
- Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 23, Nghị định 24 hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 mới nhất?