Tài sản công là nhà, đất được sắp xếp lại gồm những loại nào? Việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất được thực hiện theo phương án nào?
Sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất
Sắp xếp tài sản công là nhà, đất
Điều 1 Nghị định 167/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 67/2021/NĐ-CP quy định những tài sản công là nhà, đất được sắp xếp lại bao gồm:
"1. Nghị định này quy định về việc sắp xếp lại, xử lý các loại tài sản công gồm:
a) Đất, nhà, công trình gắn liền với đất (sau đây gọi là nhà, đất) của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này đang quản lý, sử dụng, trừ nhà, đất quy định tại khoản 2 Điều này;
...
2. Nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này quản lý, sử dụng không thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý theo quy định tại Nghị định này, gồm:
a) Nhà, đất thuê, thuê lại, nhận góp vốn, nhận giữ hộ, mượn của các tổ chức, cá nhân khác và nhà, đất khác không phải của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp;
b) Đất (bao gồm cả tài sản gắn liền với đất (nếu có) thuộc trách nhiệm quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật về đất đai;
c) Đất, tài sản gắn liền với đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này quản lý, sử dụng đã có quyết định thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai;
d) Đất, tài sản gắn liền với đất thuộc đất đã có Quyết định thu hồi và giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai;
đ) Đất, tài sản gắn liền với đất thuộc: đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên; đất rừng sản xuất, đất nông, lâm nghiệp;
e) Nhà, đất là sản phẩm hàng hóa của dự án đầu tư kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật, trừ phần nhà, đất tại dự án đã được xác định và hạch toán là tài sản cố định của doanh nghiệp;
g) Đất (bao gồm cả đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn các công trình), nhà, công trình gắn liền với đất là tài sản kết cấu hạ tầng: giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, thủy lợi, đê điều, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống dẫn điện (bao gồm cả các trạm điện), hệ thống dẫn xăng dầu, hệ thống dẫn khí, thông tin liên lạc, chợ;
h) Đất, nhà, công trình gắn liền với đất thuộc khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này);
i) Đất, công trình gắn liền với đất thuộc: đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng; đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng; đất có mặt nước nội địa; đất có mặt nước ven biển; đất bãi bồi ven sông, ven biển; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, công viên, khu vui chơi, giải trí công cộng và đất công trình công cộng khác do Nhà nước quản lý;
k) Nhà, đất của doanh nghiệp đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục giải thể, phá sản doanh nghiệp;
l) Nhà, đất được hình thành bằng nguồn quỹ phúc lợi của doanh nghiệp;
m) Đất, nhà thuộc: quỹ nhà ở xã hội, nhà tái định cư; quỹ đất tiếp nhận từ dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị bàn giao lại cho Nhà nước theo quy định của pháp luật;
n) Nhà, đất của các ngân hàng thương mại mà các ngân hàng thương mại này được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua lại bắt buộc hoặc chuyển giao bắt buộc theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và quyết định của cấp có thẩm quyền.
3. Việc quản lý, sử dụng và xử lý đối với nhà, đất quy định tại khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.”
Như vậy, những tài sản công là nhà, đất được quy định tại khoản 1 và không thuộc khoản 2 nêu trên là tài sản công được sắp xếp lại, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất được quy định như thế nào?
Điều 4 Nghị định 167/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 67/2021/NĐ-CP quy định phương án sắp xếp lại, xử lý đối với tài sản công là nhà, đất như sau:
(1) Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là tập hợp các đề xuất về hình thức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất để trình cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
(2) Trách nhiệm lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được quy định như sau:
a) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của các tổ chức (tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội), Ngân hàng Chính sách xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi là bộ, cơ quan trung ương) lập phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này thuộc phạm vi quản lý;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với sở, ban, ngành cấp tỉnh, Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban nhân dân cấp huyện, doanh nghiệp thuộc tỉnh lập phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này thuộc phạm vi quản lý của địa phương;”
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhà, đất trên địa bàn địa phương khác lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý,
(3) Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được lập thành phương án tổng thể đối với tất cả các cơ sở nhà, đất trên địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo từng loại hình: Cơ quan, tổ chức, đơn vị; doanh nghiệp.
Trường hợp cần thiết phải sắp xếp lại, xử lý trước khi có phương án tổng thể thì cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này lập phương án báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định này xem xét, quyết định.
Thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công công là nhà, đất thuộc về ai?
Thẩm quyền phê duyệt phương án án sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất được quy định tại Điều 6 Nghị định 167/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 67/2021/NĐ-CP như sau:
(1) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với:
a) Nhà, đất tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý;
b) Nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cấp I thuộc các bộ, cơ quan trung ương còn có ý kiến khác nhau về phương án xử lý giữa Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà, đất; nhà, đất của doanh nghiệp cấp II, cấp III thuộc trung ương quản lý mà các bộ, cơ quan trung ương không thống nhất với ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà, đất;
c) Nhà, đất đề xuất phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định này;
d) Nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao;
đ) Nhà, đất đề xuất phương án xử lý theo hình thức khác quy định tại khoản 9 Điều 7 Nghị định này.
(2) Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cấp I thuộc trung ương quản lý và nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cấp I thuộc địa phương quản lý trên địa bàn địa phương khác (trừ nhà, đất quy định tại khoản 1 Điều này). Đối với nhà, đất chuyển mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp cấp I thuộc trung ương quản lý, Bộ Tài chính có ý kiến bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định tại Điều 12 Nghị định này.
(3) Bộ, cơ quan trung ương phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất do doanh nghiệp cấp II, doanh nghiệp cấp III thuộc phạm vi quản lý theo các hình thức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 4, 6, 7 Điều 7 Nghị định này.
(4) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (trừ nhà, đất quy định tại điểm c và điểm đ khoản 1 và khoản 2 Điều này) do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý.
Như vậy, pháp luật hiện hành đã có những quy định cụ thể về việc sắp xếp, xử lý tài sản công là nhà, đất thông qua các khía cạnh như phương án thực hiện và thẩm quyền phê duyệt phương án.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 theo dự thảo thế nào?
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên cơ sở phổ thông mới nhất?
- Người nhận hối lộ trong việc đăng ký cư trú có nằm trong hành vi bị pháp luật nghiêm cấm không?
- Trường hợp đăng ký biến động đất đai thì chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai có thẩm quyền cấp sổ đỏ không?