Tài sản chìm đắm không xác định được chủ sở hữu nhưng chưa được trục vớt thì việc thanh toán chi phí xử lý tài sản chìm đắm bằng hiện vật được quy định như thế nào?
- Chi phí xử lý tài sản chìm đắm bao gồm những khoản nào?
- Chi phí xử lý tài sản chìm đắm có thể được thanh toán bằng hiện vật trục vớt được hay không?
- Tài sản chìm đắm không xác định được chủ sở hữu nhưng chưa được trục vớt thì việc thanh toán chi phí xử lý quy định thế nào?
- Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán tài sản chìm đắm sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước có đúng không?
Chi phí xử lý tài sản chìm đắm bao gồm những khoản nào?
Theo Điều 23 Nghị định 05/2017/NĐ-CP quy định chi phí xử lý tài sản chìm đắm bao gồm:
- Chi phí trục vớt, giám định tài sản chìm đắm.
- Chi phí vận chuyển, trông coi, bảo quản tài sản chìm đắm.
- Chi phí điều tiết thực hiện phương án bảo đảm an toàn giao thông liên quan đến quá trình trục vớt (nếu có).
- Chi phí thông báo tìm chủ sở hữu tài sản, chi phí chuyển giao tài sản, chi phí tiêu hủy tài sản, chi phí định giá, bán đấu giá tài sản.
- Thuế, phí, lệ phí (nếu có).
- Chi phí tiêu hủy (nếu có).
- Chi phí hợp lý khác liên quan (nếu có).
Chi phí xử lý tài sản chìm đắm có thể được thanh toán bằng hiện vật trục vớt được hay không?
Tại Điều 24 Nghị định 05/2017/NĐ-CP quy định về thanh toán chi phí xử lý tài sản chìm đắm do cơ quan có thẩm quyền tổ chức trục vớt như sau:
- Chủ sở hữu tài sản chìm đắm có trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí xử lý tài sản chìm đắm theo quy định tại Điều 23 của Nghị định này trong trường hợp việc xử lý tài sản chìm đắm do cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện; thời hạn thanh toán các chi phí xử lý tài sản chìm đắm chậm nhất là 12 tháng kể từ ngày hoàn thành việc trục vớt.
- Trường hợp tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm gây nguy hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 14 của Nghị định này, nếu số tiền thu được từ việc bán tài sản không đủ bù đắp chi phí và chủ sở hữu không có khả năng chi trả hoặc không xác định được chủ sở hữu tài sản chìm đắm thì số tiền còn thiếu được ngân sách nhà nước cấp bổ sung. Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc bán tài sản chìm đắm quy định tại Điều 12 của Nghị định này có trách nhiệm thanh toán các chi phí liên quan đến xử lý tài sản chìm đắm.
- Chi phí xử lý tài sản chìm đắm có thể được thanh toán bằng hiện vật trục vớt được; việc thanh toán bằng hiện vật được thực hiện trước hoặc sau khi trục vớt tài sản chìm đắm. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Nghị định này phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm quyết định việc thanh toán bằng hiện vật theo quy định tại Điều 25 của Nghị định này.
- Trường hợp tài sản chìm đắm được xử lý theo hình thức phá hủy, chủ sở hữu tài sản chìm đắm phải chịu chi phí phá hủy; nếu chủ sở hữu tài sản chìm đắm không có khả năng chi trả hoặc không xác định được chủ sở hữu tài sản chìm đắm thì được thanh toán từ ngân sách nhà nước. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Nghị định này quyết định việc thanh toán các chi phí liên quan đến phá hủy tài sản chìm đắm.
- Chi phí xử lý tài sản chìm đắm gây nguy hiểm do Cảng vụ tổ chức trục vớt được ứng trước từ nguồn kinh phí hoạt động của Cảng vụ; trường hợp Cảng vụ không có khả năng thực hiện thì được xem xét ứng trước từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Cảng vụ có trách nhiệm thu hồi kinh phí xử lý tài sản chìm đắm từ chủ sở hữu tài sản chìm đắm hoặc từ tiền bán tài sản chìm đắm theo quy định của pháp luật và hoàn trả cho ngân sách số tiền đã ứng.
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi chủ sở hữu tài sản chìm đắm đăng ký kinh doanh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xác minh và xác nhận việc chủ sở hữu tài sản chìm đắm không có khả năng chi trả các chi phí liên quan đến xử lý tài sản chìm đắm khi cần thiết.
Như vậy, chi phí xử lý tài sản chìm đắm có thể được thanh toán bằng hiện vật trục vớt được; việc thanh toán bằng hiện vật được thực hiện trước hoặc sau khi trục vớt tài sản chìm đắm.
Tài sản chìm đắm
Tài sản chìm đắm không xác định được chủ sở hữu nhưng chưa được trục vớt thì việc thanh toán chi phí xử lý quy định thế nào?
Tại Điều 25 Nghị định 05/2017/NĐ-CP quy định việc thanh toán chi phí xử lý tài sản chìm đắm bằng hiện vật như sau:
Trường hợp xử lý tài sản chìm đắm nhưng không xác định được chủ sở hữu, tài sản vô chủ hoặc tài sản chìm đắm thuộc sở hữu nhà nước, việc thanh toán chi phí bằng hiện vật được thực hiện theo quy định sau:
- Đối với tài sản chìm đắm nhưng chưa được trục vớt:
+ Hội đồng định giá được thành lập theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này tiến hành xác định giá trị của tài sản bị chìm đắm;
+ Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Nghị định này lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện việc trục vớt tài sản chìm đắm và bán tài sản chìm đắm thông qua hình thức đấu giá để thanh toán chi phí xử lý tài sản chìm đắm bằng hiện vật theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
- Đối với tài sản chìm đắm đã được trục vớt:
+ Hội đồng định giá được thành lập theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này tiến hành xác định giá trị của tài sản chìm đắm;
+ Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Nghị định này căn cứ chi phí trục vớt tại phương án đã được phê duyệt và giá trị tài sản chìm đắm do Hội đồng định giá xác định để quyết định việc thanh toán chi phí xử lý tài sản chìm đắm bằng hiện vật.
Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán tài sản chìm đắm sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước có đúng không?
Điều 26 Nghị định 05/2017/NĐ-CP quy định về quản lý nguồn thu từ xử lý tài sản chìm đắm như sau:
- Đối với tài sản chìm đắm không xác định được chủ sở hữu thì số tiền thu được từ việc bán tài sản chìm đắm được sử dụng để thanh toán các khoản chi quy định tại Điều 23 của Nghị định này; số tiền còn lại (nếu có) được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Đối với tài sản chìm đắm bị mất quyền sở hữu theo quy định tại Điều 6 của Nghị định này, số tiền thu được từ việc bán tài sản chìm đắm sau khi thanh toán các khoản chi phí quy định tại Điều 23 của Nghị định này; số tiền còn lại (nếu có) được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Qua đó, số tiền thu được từ việc bán tài sản chìm đắm sẽ được thanh toán các khoản chi phí theo quy định và số tiền còn lại (nếu có) mới được nộp vào ngân sách nhà nước.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tên quốc tế của thành phần của hàng hóa trên nhãn hàng hóa được phép ghi bằng ngôn ngữ khác không phải tiếng Việt khi nào?
- Kinh doanh các loại pháo bao gồm những gì? Cơ sở kinh doanh các loại pháo cần phải có phương án bảo đảm an ninh trật tự không?
- Bấm biển số xe máy trên VNeID được không? Lệ phí bấm biển số xe máy trên VNeID là bao nhiêu?
- Chữ ký số ký ngoài giờ hành chính có giá trị pháp lý không? Điều kiện của chữ ký số là gì?
- Đề minh họa thi đánh giá năng lực Đại học Sư phạm Hà Nội 2025 kèm đáp án chính thức thế nào?