Phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động làm công tác nổ mìn khai thác khoáng sản gồm những trang bị nào?
Phương tiện bảo vệ cá nhân được cấp phát cho người lao động theo nguyên tắc nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 về phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động cụ thể như sau:
"Điều 23. Phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động
1. Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được người sử dụng lao động trang cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và phải sử dụng trong quá trình làm việc.
2. Người sử dụng lao động thực hiện các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật, thiết bị để loại trừ hoặc hạn chế tối đa yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động.
3. Người sử dụng lao động khi thực hiện trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Đúng chủng loại, đúng đối tượng, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
b) Không phát tiền thay cho việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân; không buộc người lao động tự mua hoặc thu tiền của người lao động để mua phương tiện bảo vệ cá nhân;
c) Hướng dẫn, giám sát người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân;
d) Tổ chức thực hiện biện pháp khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm vệ sinh đối với phương tiện bảo vệ cá nhân đã qua sử dụng ở những nơi dễ gây nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm xạ.
4. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động."
Theo đó, khi người sử dụng trang cấp các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động sử dụng thì phải đảm bảo thực hiện theo nguyên tắc quy định tại khoản 3 nêu trên. Đồng thời có nghĩa vụ thực hiện các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật, thiết bị để loại trừ hoặc hạn chế tối đa yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động.
Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại sau khi được trang cấp đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân thì phải sử dụng trong quá trình làm việc.
Người lao động phải sử dụng và bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân theo nguyên tắc nào?
Căn cứ quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư 04/2014/TT-BLĐTBXH có quy định về nguyên tắc sử dụng và bảo quản phương tiện cá nhân như sau:
(1) Nguyên tắc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân: quy định tại Điều 6 Thông tư 04/2014/TT-BLĐTBXH
"Điều 6. Nguyên tắc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân
1. Người sử dụng lao động phải tổ chức hướng dẫn người lao động sử dụng thành thạo các phương tiện bảo vệ cá nhân thích hợp và phải kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng.
2. Các phương tiện bảo vệ cá nhân chuyên dùng có yêu cầu kỹ thuật cao thì người sử dụng lao động (hoặc người được ủy quyền cấp phát) phải kiểm tra để bảo đảm chất lượng, quy cách trước khi cấp, đồng thời định kỳ kiểm tra trong quá trình sử dụng và ghi sổ theo dõi; không sử dụng các phương tiện không đạt yêu cầu kỹ thuật hoặc quá hạn sử dụng.
3. Người được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân phải sử dụng phương tiện đó theo đúng quy định trong khi làm việc. Nếu người lao động vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật theo nội quy lao động của cơ sở mình hoặc theo quy định của pháp luật.
4. Người lao động không phải trả tiền về việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Người sử dụng lao động có trách nhiệm trang bị lại cho người lao động phương tiện bảo vệ cá nhân khi bị mất, hư hỏng hoặc hết hạn sử dụng. Trường hợp bị mất, hư hỏng mà không có lý do chính đáng thì người lao động phải bồi thường theo quy định của nội quy lao động cơ sở. Khi hết thời hạn sử dụng hoặc khi chuyển làm công việc khác thì người lao động phải trả lại những phương tiện bảo vệ cá nhân nếu người sử dụng lao động yêu cầu nhưng phải ký bàn giao."
(2) Nguyên tắc bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân: quy định tại Điều 7 Thông tư 04/2014/TT-BLĐTBXH
"Điều 7. Nguyên tắc bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân
1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí nơi cất giữ, bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chế tạo phương tiện bảo vệ cá nhân. Người lao động có trách nhiệm giữ gìn phương tiện bảo vệ cá nhân được giao.
2. Các phương tiện bảo vệ cá nhân để sử dụng ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, dễ gây nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm phóng xạ thì sau khi sử dụng, người sử dụng lao động phải có các biện pháp làm sạch, khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn cho người lao động, môi trường xung quanh và phải định kỳ kiểm tra."
Phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động làm công tác nổ mìn khai thác khoáng sản gồm những trang bị nào?
Phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động làm công tác nổ mìn khai thác khoáng sản gồm những trang bị nào? (hình từ Internet)
Căn cứ theo quy định tại số thứ tự 20 tiểu mục IV.2 Mục IV Phụ lục 1 Danh mục phương tiện bảo vệ cá nhân trang bị cho người lao động làm nghề, công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại, ban hành kèm theo Thông tư 04/2014/TT-BLĐTBXH có quy định như sau:
Đối với công việc "Mang mìn và nhồi thuốc bắn mìn, nổ mìn (không khoan)" thì phương tiện bảo vệ cá nhân cần thiết gồm:
"- Quần áo lao động phổ thông;
- Mũ chống chấn thương sọ não;
- Găng tay vải bạt;
- Giầy vải bạt thấp cổ;
- Kính chống các vật văng bắn;
- Áo mưa;
- Xà phòng."
Như vậy, pháp luật hiện hành có những quy định đối với phương tiện bảo vệ cá nhân nói chung và các trang bị cụ thể đối với người lao động làm công việc nổ mìn khai thác khoáng sản nói riêng.
Cá nhân, tổ chức liên quan cần đảm bảo áp dụng đúng theo những quy định trên để đảm bảo an toàn cho người lao động khi làm việc.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thông tư 28 TT BYT: Chụp X quang xương chũm được áp dụng đối với người lao động làm công việc gì?
- Mã định danh học sinh là gì? Mã định danh học sinh được sử dụng đồng bộ cho toàn cấp học theo Thông tư 42?
- Mức hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn khi mua nhà ở xã hội tại TP.HCM theo Quyết định 81/2024 là bao nhiêu?
- Mức phạt sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo Nghị định 123/2024?
- Mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THPT mới nhất? Hướng dẫn viết mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THPT thế nào?