Lãi suất trong hợp đồng tín dụng của tổ chức tín dụng có bị giới hạn mức trần 20% năm theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 không?
Lãi suất trong hợp đồng tín dụng của tổ chức tín dụng có bị giới hạn mức trần 20% năm theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:
Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Như vậy, Bộ luật Dân sự 2015 đã đưa ra hạn chế lãi suất cho vay theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, nhưng có nói rõ thêm “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có quy định:
Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng
1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
Như vậy, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng không bị giới hạn bởi mức lãi suất tối đa 20%/năm trên khoản tiền vay theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Bởi, hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng được điều chỉnh bởi Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 7 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP quy định như sau:
Áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng
1. Lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng do các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất.
2. Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, Tòa án áp dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng để giải quyết mà không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định lãi, lãi suất
Do đó, hợp đồng tín dụng của tổ chức tín dụng thì lãi suất của Hợp đồng tín dụng được thực hiện theo thoả thuận mà không bị giới hạn mức trần 20%/năm theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Lãi suất trong hợp đồng tín dụng (Hình từ Internet)
Tổ chức tín dụng có quyền quyết định giảm lãi suất trong hợp đồng tín dụng cho khách hàng không?
Căn cứ theo Điều 95 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định như sau:
Chấm dứt cấp tín dụng, xử lý nợ, miễn, giảm lãi suất
1. Tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt việc cấp tín dụng, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm các quy định trong hợp đồng cấp tín dụng.
2. Trong trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì tổ chức tín dụng có quyền xử lý nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, mua bán nợ của tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
3. Trong trường hợp khách hàng vay hoặc người bảo đảm không trả được nợ do bị phá sản, việc thu hồi nợ của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.
4. Tổ chức tín dụng có quyền quyết định miễn, giảm lãi suất, phí cho khách hàng theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng.
Theo đó, tổ chức tín dụng có quyền quyết định giảm lãi suất trong hợp đồng tín dụng cho khách hàng theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng.
Tổ chức tín dụng được phép hoạt động trong phạm vi nào?
Căn cứ theo Điều 90 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định như sau:
Phạm vi hoạt động được phép của tổ chức tín dụng
1. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể phạm vi, loại hình, nội dung hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng trong Giấy phép cấp cho từng tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức tín dụng không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ghi trong Giấy phép được Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng.
3. Các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng quy định tại Luật này thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, tổ chức tín dụng được phép hoạt động trong phạm vi mà Ngân hàng Nhà nước quy định.
Tổ chức tín dụng không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ghi trong Giấy phép được Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ghi mẫu 02B Bản kiểm điểm đảng viên phần phương hướng biện pháp khắc phục hạn chế khuyết điểm Đảng viên thế nào?
- Thời gian đặt lệnh MTL, đặt lệnh MOK và đặt lệnh MAK? Nhà đầu tư đặt lệnh MTL, đặt lệnh MOK và đặt lệnh MAK phải nắm rõ điều gì?
- Điều kiện kinh doanh thiết bị y tế loại A là gì? Thiết bị y tế được phân loại theo quy định hiện nay thế nào?
- Mẫu giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội mới nhất hiện nay là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?
- Cách viết Biên bản họp đánh giá chất lượng Đảng viên cuối năm? Các bước đánh giá chất lượng Đảng viên như thế nào?