Bắt buộc cán bộ, công chức cấp sổ đỏ phải chuyển đổi công tác định kỳ có đúng không? Có mấy phương thức chuyển đổi công tác?
Thế nào là chuyển đổi công tác? Việc chuyển đổi vị trí công tác có cần công khai không?
Hiện nay, chưa có định nghĩa cụ thể về khái niệm chuyển đổi vị trí công tác hay chuyển đổi công tác. Tuy nhiên, căn cứ vào Mục 4 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 có thể hiểu, chuyển đổi công tác là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền thực hiện công tác chuyển đổi vị trí công tác đối với những cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo và viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Mục đích chính của việc chuyển đổi công tác là nhằm phòng ngừa tình trạng phát sinh các hành vi tham nhũng, tiêu cục, trục lợi cá nhân.
Về việc công khai chuyển đổi vị trí công tác, căn cứ Điều 24 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 như sau:
Nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền có trách nhiệm định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình nhằm phòng ngừa tham nhũng. Việc luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ.
2. Việc chuyển đổi vị trí công tác phải bảo đảm khách quan, hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
3. Việc chuyển đổi vị trí công tác phải được thực hiện theo kế hoạch và được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
4. Không được lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức vì vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức.
5. Quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này cũng được áp dụng đối với những người sau đây mà không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
a) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân;
b) Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.
Như vậy, việc chuyển đổi vị trí công tác hiện nay sẽ tuân theo các nguyên tắc nêu trên. Trong đó, công tác chuyển đổi phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Bắt buộc cán bộ, công chức cấp sổ đỏ phải chuyển đổi công tác định kỳ có đúng không? Có mấy phương thức chuyển đổi công tác? (Hình từ Internet)
Bắt buộc cán bộ, công chức cấp sổ đỏ phải chuyển đổi công tác định kỳ có đúng không?
Ngày 19/12/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 21/2022/TT-BTNMT quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại chính quyền địa phương.
Theo đó, tại Điều 4 Thông tư 21/2022/TT-BTNMT có xác định các vị trí cán bộ, công chức, viên chức phải định kỳ chuyển đổi công tác như sau:
Danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi
Cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc sau:
1. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Cấp giấy phép khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản.
3. Cấp, cấp đổi, cấp điều chỉnh và cấp lại giấy phép môi trường có nội dung về xả nước thải, khí thải, phát sinh tiếng ồn, độ rung phải xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, quản lý chất thải rắn theo quy định; thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại.
4. Cấp giấy phép về thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
5. Xử lý hồ sơ giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
6. Giao hạn mức đất; quản lý việc áp dụng bồi thường, xác định người sử dụng đất thuộc đối tượng bồi thường, được hỗ trợ; mức bồi thường, hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng.
7. Xử lý vi phạm về môi trường.
Đồng thời, Điều 5 Thông tư 21/2022/TT-BTNMT có quy định:
Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác
Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác quy định tại Điều 4 Thông tư này là từ đủ 02 năm đến 05 năm.
Như vậy, theo các quy định trên thì cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, viên chức có thời gian làm công tác cấp sổ đỏ từ đủ 02 - 05 năm phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.
Việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức cấp sổ đỏ phải được thực hiện theo kế hoạch, bảo đảm khách quan, hợp lý, phù hợp.
Có mấy phương thức chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức cấp sổ đỏ?
Theo khoản 3 Điều 2 Thông tư 21/2022/TT-BTNMT, phương thức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác thực hiện theo quy định tại Điều 37 Chương V Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ.
Theo đó, chuyển đổi vị trí công tác có 02 phương thức sau:
- Chuyển đổi vị trí công tác cùng chuyên môn, nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương.
- Chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện bằng văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức cấp sổ đỏ được thực hiện theo 02 phương thức nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đất nghĩa trang có thuộc nhóm đất chưa sử dụng? Đất nghĩa trang được nhà nước giao cho tổ chức kinh tế bằng hình thức nào?
- Mẫu Nhận xét của chi ủy đối với đảng viên cuối năm? Nhận xét của chi ủy đối với đảng viên được thông báo đến ai?
- Tam tai là gì? Cúng sao giải hạn tam tai có phải mê tín dị đoan không? Hành vi mê tín dị đoan bị xử lý thế nào?
- Nhóm kín, nhóm tele, nhóm zalo chia sẻ link 18+, link quay lén trong group kín thì có bị phạt tù không?
- Chủ đầu tư có phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường hay không?