Đám cưới được nghỉ mấy ngày? Người lao động muốn nghỉ thêm thì phải làm sao theo quy định mới nhất?
Người lao động đám cưới được nghỉ mấy ngày?
Có thể nói nghỉ đám cưới là chế độ nghỉ việc riêng của người lao động, không tính vào ngày nghỉ phép năm, cũng không yêu cầu người lao động trong một thời gian nhất định mới được hưởng chế độ này và chỉ cần thông báo với người sử dụng lao động.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:
+ Kết hôn: Nghỉ 03 ngày.
+ Con kết hôn: Nghỉ 01 ngày.
+ Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: Nghỉ 03 ngày.
Theo đó, đám cưới được người lao động được nghỉ 03 ngày theo quy định pháp luật.
Người lao động muốn nghỉ thêm thì phải làm sao theo quy định mới nhất?
Trường hợp muốn được nghỉ thêm (nghỉ dài hơn), người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc nghỉ gộp ngày phép năm.
Bởi khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định: "Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần."
Theo khoản 4 nêu trên cho phép người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm/lần.
Nếu hết phép, người lao động có thể thỏa thuận xin nghỉ không lương, miễn sao được người sử dụng lao động đồng ý.
>> Trong khi đó, nếu người thân của người lao động kết hôn, người này sẽ được nghỉ với số ngày như sau:
- Con đẻ, con nuôi kết hôn: Nghỉ 01 ngày có lương (theo điểm b khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019).
- Cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn: Nghỉ 01 ngày mà không có lương (theo khoản 2 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019).
Đám cưới được nghỉ mấy ngày? Muốn nghỉ thêm thì làm sao? (Hình từ Internet)
Nghỉ đám cưới có cần người sử dụng lao động đồng ý không? Nếu NSDLĐ không đồng ý có bị phạt không?
Cũng đã có nêu tại khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, người lao động khi nghỉ đám cưới chỉ cần thông báo cho người sử dụng lao động biết.
Như vậy, dù người sử dụng lao động có đồng ý hay không thì người lao động vẫn được nghỉ đám cưới để thực hiện quyền của mình.
Hình thức thông báo không bị giới hạn nên người lao động có thể thông báo bằng lời nói, văn bản, tin nhắn, email,…
Trường hợp người sử dụng lao động không cho nghỉ đám cưới theo như thông tin được người lao động thông báo thì người sử dụng lao động đó có thể bị phạt hành chính về lỗi không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật.
Căn cứ khoản 1 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt hành chính người sử dụng lao động không cho người lao động nghỉ đám cưới như sau:
Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;
b) Không thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi tổ chức làm thêm giờ và nơi đặt trụ sở chính về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;
b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động.
4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: không đảm bảo cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc hoặc nghỉ chuyển ca theo quy định của pháp luật; huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
...
Như vậy, người sử dụng lao động không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật có thể xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP mức xử lý hành chính này là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với công ty (tổ chức) mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bên mời quan tâm tổ chức đánh giá hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh của đối tượng nào?
- Tải mẫu bản cam kết không đi làm trễ? Có được xử lý kỷ luật người lao động đi làm trễ hay không?
- Nhà thầu chính trong xây dựng là ai? Nhà thầu chính có được ký hợp đồng xây dựng với nhà thầu phụ không?
- Thuế suất hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thế nào? Hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định của cơ sở đóng tàu có được miễn thuế?
- Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là bao nhiêu theo quy định mới?