Có được xây nhà trên đất nông nghiệp trồng cây lâu năm không? Xây nhà trên đất nông nghiệp trồng cây lâu năm có bị xử phạt vi phạm hành chính không?
Có được xây nhà trên đất nông nghiệp trồng cây lâu năm không?
Theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BTNMT giải thích đất trồng cây lâu năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai 2013 thì người sử dụng đất có nghĩa vụ phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan. Ngoài ra theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Đất đai 2013 thì nghiêm cấp việc sử dụng đất không đúng mục đích.
Do đó diện tích đất mà anh/chị xây nhà ở trên đó là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm thì anh/chị có nghĩa vụ phải sử dụng đất đúng mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật như đã nêu. Đồng nghĩa anh/chị phải sử dụng đất đúng với mục đích của đất được ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Như vậy đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm ngoài việc trồng các loại cây được trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm thì anh/chị không được sử dụng cho mục đích khác như xây nhà.
Xây nhà trên đất nông nghiệp trồng cây lâu năm bị xử phạt vi phạm hành chính là bao nhiêu?
Muốn xây nhà trên đất nông nghiệp trồng cây lâu năm thì phải làm thế nào?
Trường hợp anh/chị muốn xây nhà trên đất nông nghiệp trồng cây lâu năm này thì trước tiên anh/chị phải chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 như sau:
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:
a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;
b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;
c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;
d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;
e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
Như vậy anh/chị phải xin phép chuyển mục đích từ đất nông nghiệp trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp là đất ở (hay còn gọi là đất thổ cư) trước khi thực hiện khởi công xây dựng nhà trên diện tích đất này.
Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 59 Luật Đất đai 2013 thì thẩm quyền cấp phép chuyển mục đích sử dụng đất trong trường hợp của anh/chị là Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi anh/chị đang sinh sống.
Xây nhà trên đất nông nghiệp trồng cây lâu năm bị xử phạt vi phạm hành chính là bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì trường hợp cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp là đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp là đất ở tại khu vực xã Phú Túc là khu vực nông thôn mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sẽ bị xử phạt như sau:
2. Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
c) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;
g) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.
Trong trường hợp của anh đã sử dụng 350m2 (0.035ha) đất nông nghiệp trồng cây lâu năm tại xã Phú Túc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai để xây nhà thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Lưu ý: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì mức phạt tiền trên chỉ áp dụng đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.
Ngoài ra còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP như sau:
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất và các trường hợp người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nguyên tắc làm việc của Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành VII là gì? Quy định về xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm ra sao?
- Mẫu Biên bản cuộc họp giữa 2 công ty mới nhất? Hướng dẫn viết biên bản cuộc họp giữa 2 công ty?
- Tổ chức truyền dạy của chủ thể di sản văn hóa phi vật thể có thể truyền dạy cho người ngoài cộng đồng được không?
- Xe gắn máy có thuộc đối tượng được miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định hiện nay không?
- Thế chấp tàu biển là gì? Nguyên tắc thế chấp tàu biển Việt Nam được pháp luật quy định thế nào?