5 nguyên tắc tổ chức thi hành pháp luật? Kinh phí cho tổ chức thi hành pháp luật được lấy từ đâu?
5 nguyên tắc tổ chức thi hành pháp luật như thế nào?
5 nguyên tắc tổ chức thi hành pháp luật được quy định tại Điều 2 Nghị định 80/2025/NĐ-CP, cụ thể như sau:
(1) Khách quan, toàn diện, công khai, kịp thời, hiệu quả; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; có trọng tâm, trọng điểm.
(2) Bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, có kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan nhà nước, sự tham gia của cá nhân, tổ chức trong tổ chức thi hành pháp luật.
(3) Bảo đảm sự gắn kết giữa tổ chức thi hành pháp luật với xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
(4) Bảo đảm không cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(5) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tổ chức thi hành pháp luật.
5 nguyên tắc tổ chức thi hành pháp luật? Kinh phí cho tổ chức thi hành pháp luật được lấy từ đâu? (Hình từ Internet)
Kinh phí cho tổ chức thi hành pháp luật được lấy từ đâu?
Căn cứ vào Điều 3 Nghị định 80/2025/NĐ-CP có quy định như sau:
Kinh phí bảo đảm cho tổ chức thi hành pháp luật
1. Kinh phí cho tổ chức thi hành pháp luật do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và nguồn hỗ trợ từ các dự án, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm bảo đảm và ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị làm việc, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tổ chức thi hành pháp luật.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì kinh phí cho tổ chức thi hành pháp luật do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và nguồn hỗ trợ từ các dự án, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay như thế nào theo quy định?
Căn cứ vào Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 quy định về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hệ thống như sau:
(1) Hiến pháp.
(2) Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
(3) Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
(4) Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
(5) Nghị định, nghị quyết của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
(6) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
(7) Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
(8) Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước.
(9) Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
(10) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).
(11) Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
(12) Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
(13) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
(14) Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Lưu ý:
Theo quy định tại Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025, văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng dựa trên những nguyên tắc sau:
- Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật và không trái với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tuân thủ đúng thẩm quyền, nội dung, hình thức và trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Bảo đảm chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phòng, chống lợi ích nhóm, cục bộ.
- Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bình đẳng giới; bảo đảm dân chủ, công bằng, nhân đạo, công khai, minh bạch, khoa học, kịp thời, ổn định, khả thi, hiệu quả.
- Bảo đảm việc thực hiện chủ trương phân quyền, phân cấp; giải quyết vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn; vấn đề mới, xu hướng mới; yêu cầu quản lý nhà nước và khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
- Văn bản quy phạm pháp luật quy định thực hiện thí điểm phải xác định thời gian thực hiện thí điểm và phải được sơ kết, tổng kết để xem xét, quyết định việc tiếp tục áp dụng hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng chính thức.
- Bảo đảm thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước đối với nội dung văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi bí mật nhà nước.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 5 nguyên tắc tổ chức thi hành pháp luật? Kinh phí cho tổ chức thi hành pháp luật được lấy từ đâu?
- Cục Di sản văn hóa là tổ chức hành chính trực thuộc cơ quan nào? Cục Di sản văn hóa có nhiệm vụ gì trong công tác quản lý di tích?
- Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm trực thuộc cơ quan nào? Phòng chuyên môn nghiệp vụ nào trực thuộc Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm?
- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có tư cách pháp nhân không? Trụ sở chính của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ở đâu?
- Nguyên tắc giải quyết tranh chấp trong trường hợp người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định như thế nào?