Từ 2025, giảm mức đóng BHXH tối thiểu còn bao nhiêu?
Mức đóng BHXH tối thiểu hiện nay là bao nhiêu?
(1) Mức đóng BHXH tối thiểu đối với BHXH bắt buộc
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức đóng BHXH bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động.
Theo quy định tại Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 5 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, mức đóng BHXH bắt buộc của người lao động là 8% mức tiền lương tháng.
Đồng thời, theo quy định tại điểm 2.6 khoản 2 Điều 6 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Quyết định 948/QĐ-BHXH năm 2023, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.
Dẫn chiếu đến quy định tại Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng 2024 tương ứng với từng vùng như sau:
- Vùng 1 là 4.960.000 đồng/tháng; 23.800 đồng/giờ.
- Vùng 2 là 4.410.000 đồng/tháng; 21.200 đồng/giờ.
- Vùng 3 là 3.860.000 đồng/tháng; 18.600 đồng/giờ.
- Vùng 4 là 3.450.000 đồng/tháng; 16.600 đồng/giờ.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 74/2024/NĐ-CP, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, người sử dụng lao động phải tiếp tục được thực hiện các nội dung trả lương đã thỏa thuận, cam kết mà có lợi hơn cho người lao động, như:
- Chế độ trả lương cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học tập, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu;
- Chế độ trả lương cho người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Lưu ý: Quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 74/2024/NĐ-CP chỉ áp dụng với những đối tượng có thỏa thuận điều khoản trả lương cao hơn trong hợp đồng, không bắt buộc áp dụng cho mọi trường hợp
Như vậy, mức đóng BHXH bắt buộc tối thiểu 2024 sẽ được tính như bảng dưới đây: (đơn vị: đồng/tháng)
Vùng | Làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường | Làm công việc hoặc chức danh đã qua học nghề, đào tạo nghề, công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (Nếu có thỏa thuận) | Làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (Nếu có thỏa thuận) |
Vùng 1 | 396.800 | 424.576 | 416.640 |
Vùng 2 | 352.800 | 377.496 | 370.440 |
Vùng 3 | 308.800 | 330.416 | 324.240 |
Vùng 4 | 276.000 | 295.320 | 289.800 |
(1) Mức đóng BHXH tối thiểu đối với BHXH tự nguyện
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức đóng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, thì mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng được tính theo công thức:
Mức đóng/tháng = 22% x Mức thu nhập chọn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện - Mức nhà nước hỗ trợ đóng
Đồng thời, mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất là 1.500.000 đồng (bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP).
Do đó, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu nếu không được Nhà nước hỗ trợ đóng là 330.000 đồng/tháng.
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, mức nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian tối đa 10 năm:
Như vậy, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu 2024 sẽ được tính như bảng dưới đây: (đơn vị: đồng/tháng)
TT | Đối tượng | Mức đóng thấp nhất hàng tháng khi chưa hỗ trợ | Phần trăm Nhà nước hỗ trợ | Số tiền Nhà nước hỗ trợ hàng tháng | Mức đóng thấp nhất hàng tháng sau khi Nhà nước hỗ trợ |
1 | Người thuộc hộ nghèo | 330.000 đồng | 30% | 99.000 đồng | 231.000 đồng |
2 | Người thuộc hộ cận nghèo | 330.000 đồng | 25% | 82.500 đồng | 247.500 đồng |
3 | Người thuộc đối tượng khác | 330.000 đồng | 10% | 33.000 đồng | 297.000 đồng |
Từ 2025, giảm mức đóng BHXH tối thiểu còn bao nhiêu?
Từ 2025, giảm mức đóng BHXH tối thiểu còn bao nhiêu?
(1) Đối với BHXH bắt buộc
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, từ 1/7/2025, khi Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực sẽ dùng "mức tham chiếu" thay cho mức lương tối thiểu vùng để làm căn cứ xác định mức lương đóng BHXH bắt buộc thấp nhất.
Và tại khoản 13 Điều 141 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định, khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó.
Hiện nay, mức lương cơ sở đang được áp dụng là 2.340.000 đồng/tháng được ghi nhận tại Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP. Nếu đến 1/7/2025 khi Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực mà mức lương cơ sở này không thay đổi thì mức tham chiếu quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024 sẽ là 2.340.000 đồng.
Đồng thời, theo Kết luận 83-KL/TW năm 2024, sẽ tiếp tục đề xuất xem xét việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công sau năm 2026. Từ đây sẽ tiến hành bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền theo đúng tinh thần của Nghị quyết 27.
Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó.
Do đó, tại thời điểm ngày 1/7/2025 khi Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực, nếu vẫn giữ nguyên mức lương cơ sở 2.340.000 như hiện tại thì sẽ giảm mức đóng BHXH bắt buộc tối thiểu. Còn nếu mức lương cơ sở được nâng lên cao hơn mức lương tối thiểu tại các vùng thì mức đóng BHXH bắt buộc tối thiểu sẽ tăng lên.
(1) Đối với BHXH tự nguyện
Theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
Như vậy, từ 1/7/2025 khi Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực vẫn giữ nguyên mức lương tối thiểu đóng BHXH tự nguyện bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Do đó, sẽ không giảm mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu.
Mức lương sau khi bỏ lương cơ sở giữ nguyên hay sẽ bị giảm?
Căn cứ tại tiểu tiết 3.1 Mục 3 Chương II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp do Ban Chấp hành Trung ương ban hành quy định:
II- QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG CẢI CÁCH
..
3. Nội dung cải cách
3.1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công)
a) Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
b) Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm:
- Xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã theo nguyên tắc: (1) Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất; giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới; (2) Quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương; không phân loại bộ, ngành, ban, uỷ ban và tương đương ở Trung ương khi xây dựng bảng lương chức vụ ở Trung ương; không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp. Việc phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị để thiết kế bảng lương chức vụ do Bộ Chính trị quyết định sau khi đã báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.
...
Theo đó, khi bãi bỏ lương cơ sở để ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới thì bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Như vậy, mức lương sau khi bỏ lương cơ sở sẽ bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Giáng sinh 2024 vào ngày mấy, thứ mấy? Giáng sinh là ngày gì? Giáng sinh có phải ngày lễ tết của người lao động không?
- Nghị quyết 18: Hướng dẫn thực hiện cải cách tiền lương cán bộ công chức viên chức và người lao động tại đơn vị sự nghiệp y tế cần trích nguồn thu để lại để tạo nguồn, vậy tỷ lệ trích nguồn thu như thế nào?
- Thống nhất mốc thưởng hơn 9 triệu, hơn 18 triệu lần lượt vào năm 2024, năm 2025 cho đối tượng hưởng lương từ NSNN thuộc phạm vi quản lý của BQP hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cụ thể ra sao?
- Đã chốt 02 bảng lương của đối tượng thuộc lực lượng vũ trang chính thức thay đổi bằng 03 bảng lương mới khi cải cách chính sách tiền lương sau 02 năm nữa chưa?