Thời gian báo trước khi xin nghỉ việc trước hạn được tính theo ngày làm việc hay ngày bình thường theo lịch?
- Thời gian báo trước khi xin nghỉ việc trước hạn được tính theo ngày làm việc hay ngày bình thường theo lịch?
- Người lao động nghỉ việc trước hạn có phải thông báo bằng văn bản cho người sử dụng lao động?
- Trước khi hết thời hạn báo trước, người lao động có được hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay không?
Thời gian báo trước khi xin nghỉ việc trước hạn được tính theo ngày làm việc hay ngày bình thường theo lịch?
Tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
...
Theo đó, khi xin nghỉ việc trước hạn, người lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động trong các khoảng thời gian sau:
- Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn
- Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
- Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
+ Nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên thì phải báo trước ít nhất 120 ngày;
+ Nếu làm việc theo hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng thì phải báo trước ít nhất bằng một phần tư (1/4) thời hạn của hợp đồng lao động.
Như vậy, trừ trường hợp có thỏa thuận khác thì khi xin nghỉ việc trước hạn, người lao động phải đảm bảo thời gian báo trước như trên, thời hạn báo trước này được xác định như sau:
- Thời gian báo trước sẽ tính theo ngày bình thường (bao gồm cả ngày nghỉ hằng tuần, ngày lễ, Tết)
- Riêng trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng thì thời gian báo trước sẽ được tính theo ngày làm việc.
Thời gian báo trước khi xin nghỉ việc trước hạn được tính theo ngày làm việc hay ngày bình thường theo lịch? (Hình từ Internet)
Người lao động nghỉ việc trước hạn có phải thông báo bằng văn bản cho người sử dụng lao động?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, người lao động phải thông báo cho người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước một khoảng thời gian nhất định nhưng không quy định phải thông báo theo một hình thức cụ thể nào.
Như vậy, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động có thể thông báo cho người lao động bằng văn bản hay một hình thức phù hợp khác khác trừ trường hợp hợp đồng lao động hay nội quy công ty,... có thỏa thuận, quy định về hình thức thông báo này.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, cũng có những trường hợp không cần báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019;
- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019;
- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động 2019;
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Trước khi hết thời hạn báo trước, người lao động có được hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay không?
Tại Điều 38 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Mỗi bên đều có quyền hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước khi hết thời hạn báo trước nhưng phải thông báo bằng văn bản và phải được bên kia đồng ý.
Theo đó, người lao động có quyền hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước khi hết thời hạn báo trước nhưng phải thông báo bằng văn bản và phải được người sử dụng lao động đồng ý.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?