Tâm sinh lý tuổi vị thành niên ở một số nhóm đặc thù như thế nào? Lao động chưa thành niên được doanh nghiệp tạo cơ hội gì?
Tâm sinh lý tuổi vị thành niên ở một số nhóm đặc thù như thế nào?
Căn cứ theo Quyết định 3261/QĐ-BYT năm 2024 tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - nội dung Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên” do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, có nêu:
- Trẻ liên giới tỉnh (intersex): trẻ đến tuổi nhưng không có các biểu hiện dậy thì như các bạn cùng trang lứa. Ví dụ như trẻ gái nhưng không có kinh nguyệt và các đặc tính sinh dục nữ, trẻ trai không có sự phát triển của bộ phận sinh dục ... Các khác biệt này có thể là nguyên nhân dẫn đến trẻ lo lắng hoặc gặp các vấn đề khác về sức khỏe tâm thần và dễ bị bắt nạt hay bạo lực ở trường hoặc môi trường công cộng khác.
- Trẻ có nhìn nhận về giới của bản thân khác với giới tính khi sinh: trẻ có thể thuộc nhóm có xu hướng chuyển giới nam (người có giới tính khi sinh là nữ nhưng coi mình là nam giới) và có xu hướng chuyển giới nữ (người có giới tính khi sinh là nam nhưng coi mình là nữ giới). Trẻ có xu hướng chuyển giới thường nhận ra sự khác biệt của bản thân sớm từ 5-6 tuổi nhưng dậy thì là giai đoạn trẻ cảm thấy sợ hãi, khó khăn, đau khổ với sự khác biệt của cơ thể nhất. Trẻ thậm chí có thể chán ghét cơ thể hay tự gây hại cho cơ thể. Đây cũng là giai đoạn trẻ dễ bị bắt nạt, bạo lực, phân biệt đối xử nhất ở trường, gia đình và nơi công cộng do trẻ có các thể hiện không tuân theo các khuôn mẫu giới truyền thống.
- Trẻ có xu hướng tính dục đồng giới: ở tuổi VTN đặc biệt là giai đoạn VTN muộn, VTN có thể bắt đầu có cảm xúc về tình yêu, tình dục. Trẻ có xu hướng tính dục đồng giới có thể thấy thích hay yêu bạn cùng giới với mình. Các cảm xúc này có thể khiến trẻ hoang mang, lo lắng, thậm chí dẫn tới trầm cảm, tự tử. Trẻ cũng có thể bị bắt nạt, bạo lực và phân biệt đối xử ở trường gây ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần và học tập của trẻ.
- Trẻ khuyết tật: tùy từng loại khuyết tật mà có thể có các ảnh hưởng khác nhau tới những thay đổi về thể chất liên quan tới SKSS, SKTD và từ đó có ảnh hưởng khác nhau tới sức khỏe tinh thần của trẻ. VTN khuyết tật vận động, nhìn và nghe nói có thể không có các ảnh hưởng tới các biểu hiện tuổi dậy thì. Tuy vậy, các khuyết tật này có thể hạn chế VTN tiếp cận tới thông tin và có thể làm cho VTN cảm thấy hoang mang, lo lắng khi có kinh nguyệt, xuất tinh hay các biểu hiện thay đổi thể chất khác ở lứa tuổi này. VTN khuyết tật cũng thường mặc cảm về cơ thể nhiều hơn so với khi còn nhỏ, từ đó dẫn đến cảm giác cô đơn, lo lắng, trầm cảm. VTN khuyết tật trí tuệ hay chậm phát triển có thể không kiểm soát được cảm xúc và hành vi giới tính của mình, do vậy có thể có các biểu hiện không phù hợp ở nơi công cộng. Trẻ có rối loạn nội tiết phát triển như người tí hon sẽ không có các dấu hiệu dậy thì như các trẻ khác. VTN là người khuyết tật đặc biệt là khuyết tật trí tuệ và phát triển có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục, mang thai ngoài ý muốn và mắc bệnh LTQĐTD.
Tâm sinh lý tuổi vị thành niên ở một số nhóm đặc thù như thế nào? Lao động chưa thành niên có được doanh nghiệp tạo cơ hội gì? (Hình từ Internet)
Lao động chưa thành niên được doanh nghiệp tạo cơ hội gì?
Căn cứ theo Điều 144 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên
1. Lao động chưa thành niên chỉ được làm công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách.
2. Người sử dụng lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động về các mặt lao động, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động.
3. Khi sử dụng lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
4. Người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để lao động chưa thành niên được học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Theo đó doanh nghiệp cần phải tạo cơ hội để lao động chưa thành niên được học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Ngoài ra doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động về các mặt lao động, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động.
Có được yêu cầu người lao động dưới 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm không?
Căn cứ tại Điều 146 Bộ luật Lao động 2019 quy định thời giờ làm việc của người chưa thành niên như sau:
Thời giờ làm việc của người chưa thành niên
1. Thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.
2. Thời giờ làm việc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
Như vậy, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH ban hành.
Còn người chưa đủ 15 tuổi không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?