Quyết định 759 của Thủ tướng Chính phủ: Chi tiết phương án sắp xếp cụ thể đối với 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh, cụ thể ra sao? Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ và quyền hạn ra sao?
Quyết định 759 của Thủ tướng Chính phủ: Chi tiết phương án sắp xếp cụ thể đối với 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh, cụ thể ra sao?
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 759/QĐ-TTg năm 2025 tải về phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo đó, căn cứ tiểu mục 3 Mục 4 Đề án ban hành kèm theo Quyết định 759/QĐ-TTg năm 2025 có quy định chi tiết phương án sắp xếp cụ thể đối với 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh như sau:
(1) Sáp nhập tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang thành 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Tuyên Quang, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang hiện nay (giảm 01 tỉnh) có diện tích tự nhiên 13.795,6 km² và quy mô dân số 1.731.600 người.
(2) Sáp nhập tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái thành 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Lào Cai, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái hiện nay (giảm 01 tỉnh) có diện tích tự nhiên 13.257 km² và quy mô dân số 1.656.500 người.
(3) Sáp nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên thành 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Thái Nguyên, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên hiện nay (giảm 01 tỉnh) có diện tích tự nhiên 8.375,3 km² và quy mô dân số 1.694.500 người.
(4) Sáp nhập tỉnh Hòa Bình, tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ thành 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Phú Thọ, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ hiện nay (giảm 02 tỉnh) có diện tích tự nhiên 9.361,4 km² và quy mô dân số 3.663.600 người.
(5) Sáp nhập tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh (đã được quy hoạch đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc trung ương) thành 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Bắc Ninh, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang hiện nay (giảm 01 tỉnh) có diện tích tự nhiên 4.718,6 km² và quy mô dân số 3.509.100 người.
(6) Sáp nhập tỉnh Thái Bình và tỉnh Hưng Yên thành 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Hưng Yên, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên hiện nay (giảm 01 tỉnh) có diện tích tự nhiên 2.514,8 km² và quy mô dân số 3.208.400 người.
(7) Sáp nhập tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng thành 01 thành phố trực thuộc trung ương có tên gọi là thành phố Hải Phòng, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng hiện nay (giảm 01 tỉnh) có diện tích tự nhiên 3.194,7 km² và quy mô dân số 4.102.700 người.
(8) Sáp nhập tỉnh Hà Nam, tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình (đã được quy hoạch đến năm 2030, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương) thành 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Ninh Bình, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình hiện nay (giảm 02 tỉnh) có diện tích tự nhiên 3.942,6 km² và quy mô dân số 3.818.700 người.
(9) Sáp nhập tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Quảng Trị, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị hiện nay (giảm 01 tỉnh) có diện tích tự nhiên 12.700 km² và quy mô dân số 1.584.000 người.
(10) Sáp nhập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thành 01 thành phố trực thuộc trung ương có tên gọi là thành phố Đà Nẵng, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng hiện nay (giảm 01 tỉnh) có diện tích tự nhiên 11.859,6 km² và quy mô dân số 2.819.900 người.
(11) Sáp nhập tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi thành 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi hiện nay (giảm 01 tỉnh) có diện tích tự nhiên 14.832,6 km² và quy mô dân số 1.861.700 người.
(12) Sáp nhập tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định thành 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Gia Lai, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay (giảm 01 tỉnh) có diện tích tự nhiên 21.576,5 km² và quy mô dân số 3.153.300 người.
(13) Sáp nhập tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa (đã được quy hoạch đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc trung ương) thành 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Khánh Hòa, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hiện nay (giảm 01 tỉnh) có diện tích tự nhiên 8.555,9 km² và quy mô dân số 1.882.000 người.
(14) Sáp nhập tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng thành 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Lâm Đồng, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hiện nay (giảm 02 tỉnh) có diện tích tự nhiên 24.233,1 km² và quy mô dân số 3.324.400 người.
(15) Sáp nhập tỉnh Phú Yên và tỉnh Đắk Lắk thành 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đắk Lắk, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk hiện nay (giảm 01 tỉnh) có diện tích tự nhiên 18.096,4 km² và quy mô dân số 2.831.300 người.
(16) Sáp nhập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh thành 01 thành phố trực thuộc trung ương có tên gọi là Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay (giảm 02 tỉnh), có diện tích tự nhiên 6.772,6 km² và quy mô dân số 13.608.800 người.
(17) Sáp nhập tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai thành 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đồng Nai, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hiện nay (giảm 1 tỉnh), có diện tích tự nhiên 12.737,2 km² và quy mô dân số 4.427.700 người.
(18) Sáp nhập tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An thành 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Tây Ninh, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Tân An, tỉnh Long An hiện nay (giảm 01 tỉnh), có diện tích tự nhiên 8.536,5 km² và quy mô dân số 2.959.000 người.
(19) Sáp nhập tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ thành 01 thành phố trực thuộc trung ương mới có tên gọi là thành phố Cần Thơ, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ hiện nay (giảm 02 tỉnh), có diện tích tự nhiên 6.360,8 km² và quy mô dân số 3.207.000 người.
(20) Sáp nhập tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh thành 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Vĩnh Long, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long hiện nay (giảm 2 tỉnh) có diện tích tự nhiên 6.296,2 km² và quy mô dân số 3.367.400 người.
(21) Sáp nhập tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp thành 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đồng Tháp, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang (giảm 1 tỉnh) có diện tích tự nhiên 5.938,7 km² và quy mô dân số 3.397.200 người.
(22) Sáp nhập tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau thành 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Cà Mau, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau hiện nay (giảm 01 tỉnh) có diện tích tự nhiên 7.942,4 km² và quy mô dân số 2.140.600 người.
(23) Sáp nhập tỉnh Kiên Giang và tỉnh An Giang thành 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh An Giang, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang hiện nay (giảm 01 tỉnh) có diện tích tự nhiên 9.888,9 km² và quy mô dân số 3.679.200 người.
Quyết định 759 của Thủ tướng Chính phủ: Chi tiết phương án sắp xếp cụ thể đối với 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh, cụ thể ra sao? (Hình từ Internet)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ và quyền hạn ra sao?
Căn cứ Điều 17 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 quy định chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Lãnh đạo và điều hành công việc của Ủy ban nhân dân; triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Ủy ban nhân dân;
+ Lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ thi hành Hiến pháp 2013, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp mình; kiểm tra và xử lý các vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Hiến pháp 2013 và pháp luật ở địa phương;
+ Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính; về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; về thực hiện cải cách hành chính và cải cách công vụ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước ở địa phương;
+ Lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới;
+ Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực ở địa phương; tổ chức thực hiện quản lý nhà nước tại địa phương trong các lĩnh vực tài chính, đầu tư, đất đai, tài nguyên, môi trường, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, giáo dục, y tế, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, nội vụ, lao động, văn hóa, thông tin, du lịch, thể dục thể thao, xã hội, dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hoạt động đối ngoại; bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, bảo đảm quyền con người; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác tại địa phương theo quy định của pháp luật;
+ Quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lợi ích quốc gia, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn, sau đó báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất;
+ Chỉ đạo và chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, tài chính và nguồn ngân sách nhà nước được giao trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
+ Chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp của cơ quan nhà nước cấp trên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình;
+ Chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp liên quan đến thiên tai, bão lụt, dịch bệnh tại địa phương;
+ Chỉ đạo việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và trong các hoạt động kinh tế - xã hội ở địa phương;
+ Phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp mình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình;
+ Ban hành, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật;
+ Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình và văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
+ Đình chỉ việc thi hành văn bản trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp huyện, báo cáo Ủy ban nhân dân để đề nghị Hội đồng nhân dân cùng cấp bãi bỏ;
+ Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, hạ tầng đô thị trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc sử dụng quỹ đất đô thị phục vụ cho việc xây dựng công trình hạ tầng đô thị theo quy định của pháp luật;
- Chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc xây dựng nhà ở, công trình xây dựng tại đô thị;
- Thực hiện nhiệm vụ quản lý dân cư đô thị; phòng, chống các tệ nạn xã hội ở đô thị;
- Thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ không gian, kiến trúc và cảnh quan đô thị; tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự công cộng, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.
Ủy ban nhân dân có cơ cấu tổ chức ra sao?
Căn cứ Điều 37 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 quy định Ủy ban nhân dân có cơ cấu tổ chức như sau:
- Ủy ban nhân dân gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên theo quy định của Chính phủ.
- Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tổ chức ở cấp tỉnh, cấp huyện là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thực hiện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và cơ quan nhà nước cấp trên.
- Công chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật.
- Chính phủ quy định khung số lượng Phó Chủ tịch, số lượng Ủy viên Ủy ban nhân dân các cấp, khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; trình tự, thủ tục đề nghị Hội đồng nhân dân bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Ủy viên Ủy ban nhân dân, bảo đảm liên thông, kết nối với thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân; trình tự, thủ tục điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương.











- Mẫu thông báo lịch nghỉ lễ 30 4 và 1 5 năm 2025 online đẹp và ấn tượng? CBCCVC và người lao động được nghỉ lễ 30 4 và 1 5 năm 2025 bao nhiêu ngày?
- Quyết định 759 của Thủ tướng: Tăng số lượng biên chế cán bộ công chức viên chức trong hệ thống chính trị ở địa phương vì lý do nào?
- Thống nhất cho thôi việc ngay và không giải quyết nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc cho đối tượng cán bộ công chức nào theo Hướng dẫn 01?
- Chốt 9 đối tượng bị bỏ lương cơ sở sau 2026, mức lương mới thay thế chiếm 70% tổng quỹ lương, cụ thể là ai?
- Sửa Nghị định 178: Nghỉ hưu trước tuổi CBCCVC còn trên 05 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu có đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng lương hưu thì hưởng chế độ thế nào?