Người lao động xin nghỉ việc thì phải báo trước bao nhiêu ngày?
Người lao động xin nghỉ việc thì phải báo trước bao nhiêu ngày?
Theo quy định hiện hành, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải báo trước cho công ty một khoảng thời gian theo luật định. Cụ thể:
Trường hợp 1: Người lao động ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn
Căn cứ tại điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, người lao động muốn xin nghỉ việc thì phải báo trước ít nhất 45 ngày khi làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
Trường hợp 2: Người lao động ký hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng
Căn cứ tại điểm b khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, người lao động muốn xin nghỉ việc thì phải báo trước ít nhất 30 ngày khi làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
Trường hợp 3: Người lao động ký hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng
Căn cứ tại điểm c khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, người lao động muốn xin nghỉ việc thì phải báo trước ít nhất 03 ngày khi làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng
Trường hợp 4: Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù
Căn cứ tại điểm d khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, đối với người lao động có ngành, nghề, công việc đặc thù sẽ có thời hạn báo trước theo quy định của Chính phủ và thời hạn báo trước này có thể dài hơn lên đến ít nhất 120 ngày (quy định tại Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).
Lưu ý: Những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có thể nghỉ việc mà không cần phải báo trước.
Người lao động xin nghỉ việc thì phải báo trước bao nhiêu ngày?
Người lao động nghỉ việc mà không bàn giao công việc thì có vi phạm pháp luật hiện nay không?
Căn cứ tại Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
2. Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Theo đó, pháp luật hiện hành không có bất cứ quy định nào về nghĩa vụ của người lao động phải bàn giao công việc trước khi nghỉ việc.
Do đó, nếu nội quy lao động không quy định và các bên cũng không có thỏa thuận về việc bàn giao lại công việc khi nghỉ việc thì người lao động không có nghĩa vụ phải thực hiện trách nhiệm này. Như vậy, trường hợp này người lao động nghỉ việc mà không bàn giao công việc thì không vi phạm pháp luật hiện nay.
Ngược lại, nếu hợp đồng lao động hay nội quy lao động của doanh nghiệp có điều khoản quy định về nghĩa vụ bàn giao lại công việc thì người lao động phải thực hiện đúng theo quy định hoặc cam kết ban đầu (quy định tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019). Trường hợp người lao động không thực hiện nghĩa vụ bàn giao công việc thì sẽ được coi là có hành vi vi phạm về hợp đồng lao động hoặc nội quy lao động.
Như vậy, tùy theo thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp hoặc hợp đồng lao động hay nội quy lao động của doanh nghiệp mà trường hợp người lao động nghỉ việc không bàn giao lại công việc được xem là có vi phạm hoặc không vi phạm.
Người lao động có được rút lại yêu cầu xin nghỉ việc không?
Căn cứ tại Điều 38 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Mỗi bên đều có quyền hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước khi hết thời hạn báo trước nhưng phải thông báo bằng văn bản và phải được bên kia đồng ý.
Như vậy, người lao động được rút lại yêu cầu xin nghỉ việc. Tuy nhiên phải:
- Trước khi hết thời hạn báo trước;
- Thông báo bằng văn bản và phải được người sử dụng lao động đồng ý.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?