Người lao động không được nhận bảo hiểm xã hội 1 lần ngay trong trường hợp nào?
Người lao động không được nhận bảo hiểm xã hội 1 lần ngay trong trường hợp nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP và Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định rõ 06 trường hợp được nhận bảo hiểm xã hội 1 lần bao gồm:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.
- Đủ 55 tuổi mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (đối với lao động nữ hoạt động ở xã, phường, thị trấn);
- Ra nước ngoài để định cư;
- Người đang bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
- Công an, bộ đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu;
- Người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 01 năm nghỉ việc hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau 01 năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng (Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13).
Như vậy, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và thuộc 04 trường hợp sau đây sẽ không được nhận bảo hiểm xã hội một lần ngay gồm:
- Người lao động nghỉ việc chưa đủ 1 năm khi không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
- Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu và đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ không được nhận bảo hiểm xã hội 1 lần mà sẽ được hưởng lương hưu theo quy định.
- Người lao động mắc bệnh nhưng không phải bệnh hiểm nghèo (Ung thư, bại liệt, Xơ gan cổ chướng, Phong, lao nặng, Nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS).
- Người lao động không chứng minh được đang định cư ở nước ngoài, trừ trường hợp đáp ứng điều kiện khác quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Như vậy, không phải đối tượng là người tham gia bảo hiểm xã hội nào cũng sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, người tham gia thuộc 1 trong 4 trường hợp như đã đề cập bên trên khi gửi yêu cầu đến cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ không được giải quyết hồ sơ và thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần ngay theo quy định.
Người lao động không được nhận bảo hiểm xã hội 1 lần ngay trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Thủ tục rút bảo hiểm xã hội 1 lần hiện nay như thế nào?
Theo nội dung hướng dẫn quy trình giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần tại Thủ tục số 9, Mục III Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021 về thủ tục rút bảo hiểm xã hội 1 lần như sau:
Bước 1: Người lao động lập và nộp hồ sơ
- Người lao động lập hồ sơ theo quy định và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú.
- Có thể nộp qua các hình thức sau:
+ Qua giao dịch điện tử: Người lao động đăng ký nhận mã xác thực và gửi hồ sơ điện từ đến Cổng Thông tin điện tử bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc qua Tổ chức I-VAN (nếu đã đăng ký sử dụng dịch vụ I-VAN); trường hợp không chuyển hồ sơ giấy sang định dạng điện tử thì gửi toàn bộ hồ sơ giấy cho cơ quan bảo hiểm xã hội qua dịch vụ bưu chính công ích;
+ Qua dịch vụ bưu chính công ích;
+ Trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội.
Bước 2: Cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp nhận hồ sơ và giải quyết
Trong tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Bước 3: Nhận kết quả
Người lao động nhận kết quả giải quyết, gồm:
- Quyết định về việc hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần;
- Bản quá trình đóng bảo hiểm xã hội;
- Tiền trợ cấp.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã tính hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần thì có tính vào thời gian hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội không?
Tại khoản 3 Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Nguyên tắc bảo hiểm xã hội
1. Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.
2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
4. Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
5. Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo đó, người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?