Người lao động khởi kiện đòi trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động thì Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết?
Người lao động khởi kiện đòi trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động thì Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết?
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
...
c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.
...
Dẫn chiếu đến quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a khoản 2 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Những tranh chấp về lao động và tranh chấp liên quan đến lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật về lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
...
b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
...
Và quy định tại khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
...
Theo đó, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đòi trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú hoặc có trụ sở.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu
1. Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:
...
đ) Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
...
Như vậy, người lao động cũng có thể lựa chọn Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết đòi trợ cấp khi chấm dứt hơp đồng lao động.
Người lao động khởi kiện đòi trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động thì Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết? (Hình từ Internet)
Thời hiệu người lao động khởi kiện đòi trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động là bao lâu?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 190 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
...
3. Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
4. Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
Theo đó, thời hiệu khởi kiện yêu cầu đòi trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà người lao động cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Nếu có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác thì thời gian đó sẽ không tính vào thời hiệu.
Khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người lao động được hưởng trợ cấp gì?
Hiện nay, pháp luật quy định về các loại trợ cấp mà người lao động được hưởng khi chấm dứt hợp đồng lao động bao gồm: trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp.
(1) Trợ cấp thôi việc
Theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 về các trường hợp hưởng trợ cấp thôi việc như sau:
- Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động.
- Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
- Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
- Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
- Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
- Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019
- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2019.
Ngoài ra, người lao động muốn hưởng trợ cấp thôi việc phải có thời gian làm việc từ đủ 12 tháng trở lên và không thuộc trường hợp nghỉ hưởng lương hưu.
(2) Trợ cấp mất việc làm
Theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Bộ luật Lao động 2019 về các trường hợp hưởng trợ cấp mất việc làm như sau:
- Do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
- Do chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Ngoài ra, người lao động muốn hưởng trợ cấp mất việc làm phải có thời gian làm việc cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên.
(3) Trợ cấp thất nghiệp
Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013 về điều kiện người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
- Chấm dứt hợp đồng lao động không thuộc các trường hợp sau đây:
+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
+ Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động;
- Người lao động đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm;
- Người lao động chưa tìm được việc làm mới sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?