Lao động thử việc có được hưởng chế độ tai nạn lao động hay không?
Có phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thử việc không?
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
...
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
Theo đó, có 2 điều kiện để người lao động được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đó là:
- Người lao động làm việc tại doanh nghiệp có ký kết hợp đồng lao động.
- Thời hạn hợp đồng lao động phải từ 1 tháng trở lên.
Như vậy, người lao động làm việc theo hợp đồng thử việc sẽ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Thử việc
1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
...
Đối với người lao động trong giai đoạn thử việc, có 2 dạng hợp đồng mà người lao động có thể ký kết với doanh nghiệp. Đó là hợp đồng thử việc và hợp đồng lao động có quy định thời gian thử việc.
Đối với hợp đồng thử việc, cần phải xác định đây không phải là hợp đồng lao động. Do đó, những người lao động ký hợp đồng thử việc với công ty thì trong giai đoạn thử việc sẽ không được đóng bảo hiểm xã hội.
Đối với hợp đồng lao động có quy định thời gian thử việc. Bản chất đây là hợp đồng lao động, có quy định thời gian thử việc của người lao động, trong giai đoạn thử việc người lao động chịu sự điều chỉnh của những quy định pháp luật đối với thử việc.
Như vậy, nếu người lao động ký hợp đồng lao động với công ty, có quy định thời gian thử việc thì thời gian thử việc này vẫn nằm trong thời hạn của hợp đồng lao động.
Khi đó, nếu thời hạn hợp đồng trên 1 tháng thì công ty vẫn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 43 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động.
Lao động thử việc có được hưởng chế độ tai nạn lao động hay không? (Hình từ Internet)
Lao động thử việc có được hưởng chế độ tai nạn lao động hay không?
Căn cứ khoản 2 Điều 70 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định:
An toàn, vệ sinh lao động đối với học sinh, sinh viên, người học nghề, tập nghề, thử việc
...
2. Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động đối với người học nghề, tập nghề, thử việc như đối với người lao động tại Luật này, kể cả trường hợp bị tai nạn lao động.
...
Theo đó, người sử dụng lao động chịu trách nhiệm đối với người đang trong thời gian thử việc như đối với người lao động kể cả trong trường hợp tai nạn lao động.
Như vậy, trong tình huống này sẽ có 2 trường hợp:
(1) Đối với người lao động thử việc có ký hợp đồng lao động, thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì sẽ được hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động.
(2) Đối với người lao động thử việc ký hợp đồng thử việc, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì sẽ không được hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động của bảo hiểm xã hội. Do đó, trong trường hợp này, công ty sẽ giải quyết bồi thường nếu người lao động đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH.
Điều kiện để người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động là gì?
Căn cứ Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về điều kiện để người lao động hưởng trợ cấp từ bảo hiểm tai nạn lao động như sau:
Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;
3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Theo đó, để được hưởng chế độ tai nạn lao động thì người lao động cần đáp ứng các điều kiện theo quy định nêu trên.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?