Doanh nghiệp có được tự ý đổi nơi làm việc của người lao động không?
Doanh nghiệp có được tự ý đổi nơi làm việc của người lao động không?
Căn cứ theo Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
2. Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.
3. Đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì tùy theo loại công việc mà hai bên có thể giảm một số nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động và thỏa thuận bổ sung nội dung về phương thức giải quyết trong trường hợp thực hiện hợp đồng chịu ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn, thời tiết.
...
Theo đó trong nội dung hợp đồng lao động có quy định về địa điểm làm việc của người lao động.
Ngoài ra căn cứ tại Điều 28 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Thực hiện công việc theo hợp đồng lao động
Công việc theo hợp đồng lao động phải do người lao động đã giao kết hợp đồng thực hiện. Địa điểm làm việc được thực hiện theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Như vậy, doanh nghiệp phải bố trí nơi làm việc cho người lao động theo đúng trong hợp đồng lao động, trường hợp muốn đổi nơi làm việc sang địa điểm khác thì doanh nghiệp phải có sự thỏa thuận với người lao động mà không được tự ý thay đổi.
Doanh nghiệp có được tự ý đổi nơi làm việc của người lao động không? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp tự ý thay đổi nơi làm việc thì người lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động hay không?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
...
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Theo đó, nếu doanh nghiệp chuyển người lao động sang làm việc ở một địa chỉ khác trong hợp đồng lao động mà không có sự thỏa thuận với người lao động, hoặc trong hợp đồng lao động không có quy định khác thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước. Trừ trường hợp tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019.
Doanh nghiệp tự ý thay đổi nơi làm việc của người lao động có bị phạt không?
Căn cứ theo tại điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động
...
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Lao động;
...
Như vậy, trường hợp tự ý bố trí cho người lao động làm ở địa điểm khác với nơi đã thỏa thuận ban đầu trong hợp đồng lao động thì có thể bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng
Lưu ý: Mức xử phạt này chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức, doanh nghiệp có cùng mức vi phạm sẽ bị xử phạt gấp hai lần mức vi phạm của cá nhân (quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
Như vậy, doanh nghiệp tự ý thay đổi nơi làm việc của người lao động có thể sẽ bị xử phạt từ 6.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng
Đồng thời, căn cứ theo điểm a khoản 5 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp còn buộc phải bố trí người lao động làm việc ở địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động ban đầu.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?