Doanh nghiệp báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động trễ hạn bị phạt gì?
Có bắt buộc doanh nghiệp phải báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động không?
Căn cứ Điều 81 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Thống kê, báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động
1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải thực hiện thống kê, báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc như sau:
a) Báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động và cơ quan quản lý nhà nước về y tế cấp tỉnh, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác;
b) Thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo quy định tại Điều 36 và Điều 37 của Luật này.
2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết điểm a khoản 1 Điều này sau khi có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Theo quy định, hằng năm, doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện thống kê, báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động và cơ quan quản lý nhà nước về y tế cấp tỉnh, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Doanh nghiệp báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động trễ hạn bị phạt gì? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp phải gửi báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động vào thời gian nào?
Căn cứ Điều 10 Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
Thống kê, báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động
1. Người sử dụng lao động phải mở sổ thống kê các nội dung cần phải báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Các số liệu thống kê phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật, làm căn cứ theo dõi, phân tích, đưa ra các chính sách, giải pháp đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động.
2. Người sử dụng lao động phải báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động định kỳ hằng năm với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế (trực tiếp hoặc bằng fax, bưu điện, thư điện tử) theo mẫu được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Báo cáo phải gửi trước ngày 10 tháng 01 của năm sau.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng trên địa bàn, gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này trước ngày 25 tháng 01 hằng năm.
Theo đó, người sử dụng lao động phải gửi báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động định kỳ hằng năm với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế (trực tiếp hoặc bằng fax, bưu điện, thư điện tử) trước ngày 10/01 của năm sau.
Như vậy, trước ngày 10/01/2024, doanh nghiệp phải tiến hành gửi báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động theo mẫu cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế.
Mẫu báo cáo an toàn vệ sinh lao động định kỳ hằng năm hiện nay được thực hiện theo Mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH: Tại đây
Doanh nghiệp báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động trễ hạn bị phạt gì?
Căn cứ Điều 20 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động, cụ thể như sau:
Vi phạm quy định về báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi không báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: không thống kê tai nạn lao động; không báo cáo định kỳ hoặc báo cáo không đầy đủ hoặc báo cáo không chính xác hoặc báo cáo không đúng thời hạn về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không báo cáo định kỳ hoặc báo cáo không đầy đủ hoặc báo cáo không chính xác hoặc báo cáo không đúng thời hạn về sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Theo đó, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi báo cáo không đúng thời hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, doanh nghiệp báo cáo không đúng thời hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?