Công điện 62/CĐ-TTg: Bố trí ngân sách tinh giản biên chế khi sắp xếp bộ máy nhà nước ra sao?
- Công điện 62/CĐ-TTg: Bố trí ngân sách tinh giản biên chế khi sắp xếp bộ máy nhà nước ra sao?
- Nguyên tắc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ công chức khi sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị được quy định như thế nào?
- Cán bộ công chức có phẩm chất năng lực nổi trội, có thành tích đặc biệt xuất sắc đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thì được hưởng các chính sách gì?
Công điện 62/CĐ-TTg: Bố trí ngân sách tinh giản biên chế khi sắp xếp bộ máy nhà nước ra sao?
Theo Công điện 62/CĐ-TTg năm 2025 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương những nhiệm vụ cụ thể sau:
- Tập trung chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và việc bố trí kinh phí thực hiện.
- Chủ động, kịp thời bố trí kinh phí (kể cả nguồn tiết kiệm chi thường xuyên - nếu có) để đảm bảo việc chi trả chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang theo đúng quy định. Sau khi đã sử dụng các nguồn kinh phí theo quy định, trường hợp còn thiếu, kịp thời có báo cáo đề xuất gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung kinh phí thực hiện.
- Bộ Nội vụ thường xuyên nắm bắt tình hình thực tế, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, phản ánh (nếu có) của Bộ, ngành và địa phương, kịp thời hướng dẫn, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý, bảo đảm triển khai hiệu quả, đúng tiến độ và đúng các mục tiêu, yêu cầu về sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
- Bộ Tài chính có trách nhiệm cân đối đủ nguồn ngân sách nhà nước, báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, làm cơ sở bố trí kinh phí cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện; đồng thời, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước năm 2025 trên 15% dự toán theo đúng yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 124/NQ-CP năm 2025 ngày 08 tháng 5 năm 2025 và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán Quốc hội đã quyết định và các nhiệm vụ chi quan trọng phát sinh trong năm 2025 theo các chủ trương, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Nhà nước.
- Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo Bộ Tài chính trong việc bố trí nguồn kinh phí để thực hiện chính sách, chế độ quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP và Nghị định 67/2025/NĐ-CP.
- Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền những vấn đề vượt thẩm quyền.
Như vậy, một trong những nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là chủ động, kịp thời bố trí kinh phí (kể cả nguồn tiết kiệm chi thường xuyên - nếu có) để đảm bảo việc chi trả chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang theo đúng quy định.
Sau khi đã sử dụng các nguồn kinh phí theo quy định, trường hợp còn thiếu, kịp thời có báo cáo đề xuất gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung kinh phí thực hiện.
Công điện 62/CĐ-TTg: Bố trí ngân sách tinh giản biên chế khi sắp xếp bộ máy nhà nước ra sao? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ công chức khi sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định về nguyên tắc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ công chức khi sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị như sau:
- Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong quá trình thực hiện chính sách, chế độ.
- Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm chậm nhất sau 05 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực thi hành thì số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, tổ chức đơn vị trong hệ thống chính trị sau sắp xếp theo đúng quy định.
- Bảo đảm chi trả chính sách, chế độ kịp thời, đầy đủ theo quy định của pháp luật; sử dụng đúng, hiệu quả ngân sách nhà nước.
- Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động công tâm, khách quan trên cơ sở đánh giá phẩm chất, năng lực, kết quả thực hiện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; trên cơ sở đó thực hiện sắp xếp, tinh giản biên chế và thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
- Tập thể lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm trong đánh giá, sàng lọc, lựa chọn đối tượng nghỉ việc gắn với việc cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý để cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
- Một đối tượng đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách, chế độ quy định tại các văn bản khác nhau thì chỉ được hưởng một chính sách, chế độ cao nhất.
- Các bộ, ban, ngành ở trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp tỉnh phải cử khoảng 5% cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị đi công tác ở cơ sở.
Cán bộ công chức có phẩm chất năng lực nổi trội, có thành tích đặc biệt xuất sắc đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thì được hưởng các chính sách gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định cán bộ công chức có phẩm chất năng lực nổi trội, có thành tích đặc biệt xuất sắc đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thì được hưởng các chính sách sau:
(1) Được nâng lương vượt một bậc (thời điểm giữ bậc lương mới được tính theo thời điểm giữ bậc lương cũ) nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc chức danh. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lương vượt một bậc nằm trong tỷ lệ không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 204/2004/NĐ-CP (đã được sửa đổi tại Nghị định 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ).
(2) Được hưởng tiền thưởng theo thành tích xuất sắc do Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định từ quỹ tiền thưởng quy định tại Điều 4 Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; trong đó dành tối đa 50% quỹ tiền thưởng để khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực nổi trội, có thành tích đặc biệt xuất sắc và có thành tích công tác đột xuất; quỹ tiền thưởng còn lại của năm dành cho khen thưởng theo định kỳ hằng năm theo kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc.
(3) Được cấp có thẩm quyền quan tâm, ưu tiên quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp trên cơ sở kết quả đánh giá thành tích, hiệu quả và chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.
(4) Được hưởng chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Nghị định khác của Chính phủ.











- TEMIS: Phần mềm đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên sử dụng như thế nào? Khi nào thực hiện đánh giá giáo viên trên TEMIS?
- Khoản tiền không được tính hưởng trợ cấp khi tinh giản biên chế thuộc các khoản phụ cấp khác gồm những gì theo Công văn 1814?
- Nghỉ hưu trước tuổi từ 01/7/2025, hưởng trợ cấp 10 tháng tiền lương hiện hưởng khi có bao nhiêu năm công tác theo Công văn 1814?
- Thay đổi tiêu chí đánh giá cán bộ công chức, viên chức theo từng đặc điểm, từng địa phương theo Công văn 1814 có đúng không?
- Công văn 1767 quyết định chưa giải quyết nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc đối với CCVC và người lao động trong trường hợp nào?