Công chức bị phạt tù nhưng được hưởng án treo có bị buộc thôi việc không?
Khi nào công chức bị phạt tù nhưng được hưởng án treo?
Căn cứ Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về án treo, cụ thể như sau:
Án treo
1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
3. Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này.
4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
5. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.
Như vậy bản chất của án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Công chức được hưởng án treo khi bị xử phạt tù với mức không quá 03 năm trong những trường hợp tòa án căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ xét thấy không cần phải buộc họ chấp hành hình phạt tù.
Công chức bị phạt tù nhưng được hưởng án treo có bị buộc thôi việc không? (Hình từ Internet)
Buộc thôi việc có phải hình thức xử lý kỷ luật đối với công chức?
Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về các hình thức xử lý kỷ luật đối với công chức, cụ thể như sau:
- Các hình thức xử lý kỷ luật áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
+ Khiển trách.
+ Cảnh cáo.
+ Hạ bậc lương.
+ Buộc thôi việc.
- Các hình thức xử lý kỷ luật áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
+ Khiển trách.
+ Cảnh cáo.
+ Giáng chức.
+ Cách chức.
+ Buộc thôi việc.
Theo đó buộc thôi việc là một trong những hình thức xử lý kỷ luật công chức.
Công chức bị phạt tù nhưng được hưởng án treo có bị buộc thôi việc không?
Căn cứ khoản 3 Điều 79 Luật Cán bộ, công chức 2008 (được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) quy định như sau:
Các hình thức kỷ luật đối với công chức
...
3. Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.
...
Theo đó công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.
Bên cạnh đó căn cứ Điều 13 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức như sau:
Áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm;
2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này;
3. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
4. Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền;
5. Ngoài quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này, hình thức kỷ luật buộc thôi việc còn được áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này.
Như vậy công chức bị phạt tù nhưng được hưởng án treo đồng thời công chức không vi phạm đến mức bị buộc thôi việc thì không thuộc trường hợp buộc thôi việc đối với công chức.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?