03 bước để tạo mục lục tự động đơn giản nhất ở trong Word? Tin học cơ bản có phải là môn bắt buộc khi dự thi nâng ngạch đối với công chức hay không?
Lợi ích của việc tạo mục lục tự động trong Word là gì?
- Có thể giúp cho người đọc tìm kiếm thông tin dễ dàng hơn, nhất là với những tài liệu có nội dung có số trang lớn. Thay vì phải xem từng trang một hay là phải tốn thời gian để tìm từng mục mà người đọc muốn đọc thì mục lục tự động có thể giúp người đọc có thể dựa vào mục lục tự động để truy cập trực tiếp đến phần nội dung cần tìm.
- Làm nổi bật những nội dung chính có trong tài liệu và hỗ trợ định hướng thông tin rõ ràng hơn. Chỉ cần nhìn vào mục lục, người đọc đã có thể hiểu khái quát nội dung của tài liệu.
- Làm nổi bật sự chỉnh chu, chuyên nghiệp và thống nhất của bài, đặc biệt là với các đề tài nghiên cứu khoa học mang tính chất chuyên sâu.
- Giúp người đọc tiết kiệm thời gian định dạng và soạn thảo văn bản so với việc tạo mục lục thủ công; qua đó cũng có thể đánh giá được việc sử dụng thành thạo Word của người viết.
- Có thể tự động cập nhật các nội dung mới, hay các nổi bị sửa đổi, bãi bỏ hoặc bổ sung khi tác giả muốn thay đổi nội dung hoặc cấu trúc của bài Word.
03 bước để tạo mục lục tự động đơn giản nhất ở trong Word? (Hình từ Internet)
03 bước để tạo mục lục tự động đơn giản nhất ở trong Word?
Bước 1: Xác định vị trí đặt mục lục trong Word và di chuyển con trỏ chuột đến trang muốn đặt mục lục. Thông thường, vị trí của mục lục sẽ nằm ở các trang đầu.
Bước 2: Tại vị trí muốn đặt mục lục chọn thẻ References.
Bước 3: Chọn Table of Contents và sẽ xuất hiện một hộp thoại. Tại đây, ta có 02 lựa chọn sau:
- Người dùng có thể sử dụng các mẫu mục lục tự động có sẵn (Automatic Table) bằng cách chọn vào Automatic Table 1 hoặc Automatic Table 2.
- Nếu người dùng muốn tạo mục lục tự động theo ý muốn cá nhân một cách thủ công thì nhấn chọn Manual Table.
Bên cạnh đó, người dùng có thể chọn Custom Table of Contents để có thể chỉnh định dạng của mục lục. Ở mục Custom Table of Contents ta cần lưu ý các điểm sau:
+ Tab Leader: Có chức năng định dạng tab cho mục lục như none (trống), dấu chấm, dấu gạch ngang hoặc dấu gạch dưới liền.
+ Format: Tại mục Format, người dùng có thể chọn các mẫu mục lục mà mình thích.
+ Show levels: Tại đây, ta có thể tùy chỉnh cấp bậc cho mục lục.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo.
Cách cập nhật mới mục lục khi có thay đổi nội dung?
Bước 1: Để có thể cập nhật mới mục lục khi có chỉnh sửa nội dung, chọn nhập chuột trái vào mục lục sau đó chọn Update Table.
Hoặc người dùng có thể chọn cách khác như sau: chọn thẻ References sau đó chọn Update Table.
Bước 2: Trên hộp thoại Update Table of Contents ta có thể người dùng có thể nhấn vào 1 trong 2 tùy chọn dưới đây:
- Chọn Update page number only nếu người dùng chỉ muốn cập nhật lại số trang tương ứng với từng tiêu đề.
- Chọn Update entire table nếu người dùng muốn cập nhật lại toàn bộ mục lục (chèn thêm hoặc loại bỏ tiêu đề, thay đổi level cho các tiêu đề, thay đổi số trang,...).
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo.
Tin học cơ bản có phải là môn bắt buộc khi dự thi nâng ngạch hay không?
Căn cứ theo quy định khoản 1 Điều 37 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Hình thức, nội dung và thời gian thi nâng ngạch
Thi nâng ngạch công chức được thực hiện như sau:
1. Môn kiến thức chung:
a) Hình thức thi: Thi trắc nghiệm;
b) Nội dung thi: 60 câu hỏi về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ; chức trách, nhiệm vụ của công chức theo yêu cầu của ngạch dự thi;
c) Thời gian thi: 60 phút.
2. Môn ngoại ngữ:
a) Hình thức thi: Thi trắc nghiệm;
b) Nội dung thi: 30 câu hỏi về một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc theo yêu cầu của ngạch dự thi do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch quyết định;
c) Thời gian thi: 30 phút.
3. Môn tin học:
a) Hình thức thi: Thi trắc nghiệm;
b) Nội dung thi: 30 câu hỏi theo yêu cầu của ngạch dự thi;
c) Thời gian thi: 30 phút.
4. Môn chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Đối với nâng ngạch lên ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương: Thi viết đề án, thời gian tối đa 08 tiếng và thi bảo vệ đề án, thời gian tối đa 30 phút; nội dung thi theo yêu cầu của ngạch dự thi. Thi viết đề án và thi bảo vệ đề án được chấm với thang điểm 100 cho mỗi bài thi;
b) Đối với nâng ngạch lên ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương: Thi viết, thời gian 180 phút; nội dung thi theo yêu cầu của ngạch dự thi; thang điểm 100;
c) Đối với nâng ngạch lên ngạch cán sự hoặc tương đương; ngạch chuyên viên hoặc tương đương:
Thi viết, thời gian 120 phút; nội dung thi theo yêu cầu của ngạch dự thi; thang điểm 100.
5. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức quyết định thi trắc nghiệm trên máy vi tính thì không phải thi môn tin học và phải thông báo điểm của môn thi cho công chức dự thi được biết ngay sau khi kết thúc thời gian làm bài thi trên máy vi tính. Không phúc khảo kết quả thi trắc nghiệm trên máy vi tính.
6. Miễn thi môn ngoại ngữ đối với các trường hợp sau:
a) Công chức tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới 05 năm công tác;
b) Công chức có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số hoặc là người dân tộc thiểu số đang công tác ở vùng dân tộc thiểu số;
c) Công chức có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định trong tiêu chuẩn của ngạch dự thi;
d) Công chức có bằng tốt nghiệp theo yêu cầu trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định trong tiêu chuẩn của ngạch dự thi do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp và được công nhận tại Việt Nam theo quy định.
7. Miễn thi môn tin học đối với các trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các chuyên ngành liên quan đến tin học, công nghệ thông tin.
Theo đó, hiện nay tin học cơ bản là môn bắt buộc khi dự thi nâng ngạch công chức, cụ thể:
- Thi theo hình thức trắc nghiệm;
- Nội dung thi gồm 30 câu hỏi theo yêu cầu của ngạch dự thi;
- Thời gian thi là 30 phút.
Tuy nhiên, trong các trường hợp sau thì không cần phải thi môn tin học, gồm:
- Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức quyết định thi trắc nghiệm trên máy vi tính.
- Có bằng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các chuyên ngành liên quan đến tin học, công nghệ thông tin.
Như vậy, tin học cơ bản bắt buộc đối với công chức dự thi nâng ngạch, trừ các trường hợp không cần phải thi hoặc được miễn thi.

Phan Văn Huy









