Trường hợp nào áp dụng biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa? Thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa như thế nào?
Xuất xứ hàng hóa là gì? Trường hợp nào áp dụng biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa?
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP đưa ra định nghĩa về xuất xứ hàng hóa như sau:
Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.
Theo đó, các trường hợp áp dụng biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa được quy định tại Điều 33 Luật Quản lý ngoại thương 2017 bao gồm:
- Đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu có nhu cầu được hưởng ưu đãi thuế quan theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Pháp luật quy định việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải có chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
- Do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo đề nghị của thương nhân hoặc do thương nhân tự chứng nhận không thuộc các trường hợp đã nêu trên.
Trường hợp nào áp dụng biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa?
Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được quy định như thế nào?
Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được quy định tại Điều 32 Luật Quản lý ngoại thương 2017 bao gồm:
- Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp cho thương nhân;
- Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do thương nhân phát hành theo quy định.
Theo đó, tại khoản 4 và khoản 8 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định đối với Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của thương nhân như sau:
- Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức thuộc nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa cấp dựa trên quy định và yêu cầu liên quan về xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đó.
- Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương do thương nhân tự phát hành theo quy định.
Căn cứ các quy định trên, ta thấy chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa có thể là Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp cho thương nhân hoặc là chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do thương nhân phát hành theo quy định.
Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa thực hiện như thế nào?
Trường hợp thương nhân đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì trách nhiệm của thương nhân được quy định tại Điều 24 Nghị định 31/2018/NĐ-CP như sau:
- Đăng ký hồ sơ thương nhân với cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
- Nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
- Chứng minh hàng hóa đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với thông tin khai báo và xác định xuất xứ hàng hóa, kể cả trong trường hợp được người xuất khẩu ủy quyền.
- Có trách nhiệm làm việc với nhà sản xuất hàng hóa để yêu cầu kê khai xuất xứ và cung cấp các chứng từ chứng minh hàng hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ trong trường hợp thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là thương nhân xuất khẩu nhưng không phải nhà sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu đó.
- Lưu trữ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Điều 30 Nghị định này.
- Thông báo kịp thời cho cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa việc Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã được cấp bị từ chối.
- Có trách nhiệm làm việc, cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ, thông tin và tài liệu liên quan phục vụ công tác xác minh xuất xứ hàng hóa và bố trí đi kiểm tra tại cơ sở sản xuất theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu.
Theo đó, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được quy định tại như sau:
* Về đăng ký hồ sơ thương nhân quy định tại Điều 13 Nghị định 31/2018/NĐ-CP:
- Thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lần đầu tiên phải đăng ký hồ sơ thương nhân với cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chỉ được xem xét cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi đã đăng ký hồ sơ thương nhân đầy đủ và hợp lệ. Hồ sơ thương nhân bao gồm:
+ Đăng ký mẫu chữ ký của người đại diện theo pháp luật của thương nhân hoặc người được ủy quyền ký đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, ký Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và mẫu con dấu của thương nhân theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (có dấu sao y bản chính của thương nhân);
+ Danh Mục cơ sở sản xuất ra hàng hóa đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nếu có) theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
- Hồ sơ thương nhân được khai báo qua Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn hoặc trang điện tử khác của các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được Bộ Công Thương ủy quyền. Bộ Công Thương khuyến khích thương nhân đăng ký hồ sơ thương nhân điện tử. Trong trường hợp không thể đăng ký hồ sơ thương nhân điện tử, thương nhân được phép lựa chọn nộp bộ hồ sơ tại trụ sở của cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
- Mọi thay đổi trong hồ sơ thương nhân phải được cập nhật tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn hoặc thông báo cho cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nơi đã đăng ký trước khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trong trường hợp không có thay đổi, hồ sơ thương nhân vẫn phải được cập nhật 2 năm một lần.
* Sau khi thương nhân đã đăng ký hồ sơ thương nhân đầy đủ và hợp lệ, thương nhân chuẩn bị hồ sơ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Điều 15 Nghị định 31/2018/NĐ-CP bao gồm:
- Đối với thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lần đầu hoặc cho sản phẩm mới xuất khẩu lần đầu hoặc cho sản phẩm không cố định (có thay đổi về định mức số lượng, định mức trọng lượng, mã HS, trị giá và nguồn cung nguyên liệu đối với cả nguyên liệu đầu vào hoặc sản phẩm đầu ra mỗi lần cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa), hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa gồm:
+ Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
+ Mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tương ứng đã được khai hoàn chỉnh;
+ Bản in tờ khai hải quan xuất khẩu. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu không phải khai báo hải quan theo quy định của pháp luật không cần nộp bản sao tờ khai hải quan;
+ Bản sao hóa đơn thương mại (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);
+ Bản sao vận tải đơn hoặc bản sao chứng từ vận tải tương đương (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) trong trường hợp thương nhân không có vận tải đơn. Thương nhân được xem xét không cần nộp chứng từ này trong trường hợp xuất khẩu hàng hóa có hình thức giao hàng không sử dụng vận tải đơn hoặc chứng từ vận tải khác theo quy định của pháp luật hoặc thông lệ quốc tế;
+ Bảng kê khai chi tiết hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí xuất xứ ưu đãi hoặc tiêu chí xuất xứ không ưu đãi theo mẫu do Bộ Công Thương quy định;
+ Bản khai báo xuất xứ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nguyên liệu có xuất xứ hoặc hàng hóa có xuất xứ được sản xuất trong nước theo mẫu do Bộ Công Thương quy định trong trường hợp nguyên liệu đó được sử dụng cho một công đoạn tiếp theo để sản xuất ra một hàng hóa khác;
+ Bản sao Quy trình sản xuất hàng hóa (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);
+ Trong trường hợp cần thiết, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất của thương nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Nghị định này; hoặc yêu cầu thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nộp bổ sung các chứng từ dưới dạng bản sao (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) như: Tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu dùng để sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu (trong trường hợp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu nhập khẩu trong quá trình sản xuất); hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn giá trị gia tăng mua bán nguyên liệu, phụ liệu trong nước (trong trường hợp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu mua trong nước trong quá trình sản xuất); giấy phép xuất khẩu (nếu có); chứng từ, tài liệu cần thiết khác.
- Đối với thương nhân sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cố định (không thay đổi về định mức số lượng, định mức trọng lượng, mã HS, trị giá và nguồn cung nguyên liệu đối với nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra), hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lần đầu tiên bao gồm các chứng từ theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Từ lần đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tiếp theo, thương nhân chỉ cần nộp các chứng từ theo quy định từ điểm a đến điểm đ Khoản 1 Điều này. Các chứng từ trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nêu tại điểm e, điểm g và điểm h, Khoản 1 Điều này có giá trị trong thời hạn 2 năm kể từ ngày thương nhân nộp cho cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trong trường hợp có sự thay đổi trong thời hạn 2 năm này, thương nhân cập nhật thông tin liên quan đến các chứng từ trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nêu tại điểm e, điểm g và điểm h Khoản 1 Điều này cho cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
- Trong trường hợp chưa có các chứng từ nêu tại điểm c và điểm đ Khoản 1 Điều này, thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được phép nộp các chứng từ này sau nhưng không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Sau thời hạn này nếu thương nhân không nộp bổ sung chứng từ, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa yêu cầu thu hồi hoặc hủy Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp theo quy định tại Điều 22 Nghị định này.
- Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có quyền yêu cầu thương nhân cung cấp bản chính của các chứng từ trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này để kiểm tra, đối chiếu trong trường hợp có nghi ngờ tính xác thực của các chứng từ này.
- Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xem xét cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng hóa xuất khẩu gửi kho ngoại quan đến các nước thành viên theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Ngoài các chứng từ quy định tại Khoản 1 Điều này, thương nhân nộp thêm các chứng từ sau:
+ Bản sao tờ khai hàng hóa nhập kho, xuất kho ngoại quan có xác nhận hàng đến cửa khẩu xuất của cơ quan hải quan (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);
+ Bản sao hợp đồng hoặc văn bản có nội dung chỉ định thương nhân Việt Nam giao hàng cho người nhập khẩu ở nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập theo Điều ước quốc tế (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).
- Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xem xét cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất, kho ngoại quan, khu phi thuế quan và các khu vực hải quan riêng khác có quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu với nội địa trong trường hợp hàng hóa đó đáp ứng các quy tắc xuất xứ ưu đãi quy định tại Chương II hoặc quy tắc xuất xứ không ưu đãi quy định tại Chương III Nghị định này. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
* Quy trình khai báo và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa thực hiện theo Điều 16 Nghị định 31/2018/NĐ-CP như sau:
- Thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa khai báo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo biểu mẫu điện tử sẵn có trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn hoặc trang điện tử khác của các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được Bộ Công Thương ủy quyền. Mã HS của hàng hóa khai báo trên Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là mã HS của nước xuất khẩu. Trường hợp mã HS của nước xuất khẩu khác với mã HS của nước nhập khẩu đối với cùng một mặt hàng, thương nhân được phép sử dụng mã HS của nước nhập khẩu và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của mã HS nước nhập khẩu do thương nhân khai báo.
- Trường hợp thương nhân đính kèm hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn hoặc trang điện tử khác của các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được Bộ Công Thương ủy quyền, quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện theo các bước sau đây:
+ Thương nhân đính kèm các chứng từ của hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng điện tử. Các chứng từ này phải được thương nhân xác thực bằng chữ ký số do cơ quan có thẩm quyền cấp. Bản giấy của các chứng từ này không cần phải nộp lại cho cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
+ Trong thời hạn 6 giờ làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ dưới dạng điện tử, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa thông báo trên hệ thống kết quả xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho thương nhân;
+ Trong thời hạn 2 giờ làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã được khai hoàn chỉnh và hợp lệ dưới dạng bản giấy nêu tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều 15 Nghị định này, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trả kết quả cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng bản giấy.
- Trường hợp thương nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trực tiếp tại trụ sở của cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện theo các bước sau đây:
+ Thương nhân nộp các chứng từ của hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng bản giấy;
+ Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trả kết quả cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn 8 giờ làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đầy đủ và hợp lệ.
- Trường hợp thương nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa qua bưu điện, thời gian trả kết quả cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là 24 giờ làm việc kể từ khi cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đầy đủ và hợp lệ theo ngày ghi trên bì thư.
- Trong trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không rõ ràng, không chứng minh được hàng hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ, có dấu hiệu gian lận về chuyển tải, hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp trước đó, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tiến hành kiểm tra tại cơ sở sản xuất theo quy định tại Điều 28 Nghị định này.
Như vậy, xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó. Các trường hợp áp dụng biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa có thể do pháp luật quy định phải có chứng nhận, do thương nhân đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc tự chứng nhận,... Đối với trường hợp thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thương nhân có trách nhiệm đăng ký hồ sơ thương nhân, chuẩn bị hồ sơ và thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy hoạch làm căn cứ để lập dự án đầu tư xây dựng là cơ sở xem xét cấp giấy phép xây dựng gồm những loại quy hoạch nào?
- Bảng tiêu chí và điểm xếp hạng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quan hệ lao động theo Thông tư 11?
- Mẫu danh sách đề nghị tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng mới nhất là mẫu nào?
- Lỗi phạt nguội bao lâu thì lên hệ thống 2025? Cách check Biển số xe bị phạt nguội trên csgt vn?
- Cán bộ, công chức, viên chức tinh giản biên chế theo Nghị định 29 được hưởng chế độ chính sách tại Nghị định 178 khi nào?