Ngân sách địa phương được chi vào những nội dung nào? Việc sử dụng dự phòng ngân sách các cấp ở địa phương được phân cấp như thế nào?

Tôi muốn biết ngân sách địa phương là gì? Khi tìm hiểu về ngân sách nhà nước, tôi thấy ở các cấp địa phương cũng có một loại ngân sách được gọi là "ngân sách địa phương". Có thể cho tôi biết khoản ngân sách này cụ thể là gì và được chi vào những nội dung gì hay không? Ở địa phương gồm nhiều cấp như tỉnh, huyện, xã,... Vậy việc phân cấp việc thu - chi đối với khoản ngân sách này được thực hiện cụ thể dựa trên nguyên tắc nào?

Ngân sách địa phương là gì?

Khoản 13 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước 2015 quy định cụ thể về ngân sách địa phương như sau"

"13. Ngân sách địa phương là các khoản thu ngân sách nhà nước phân cấp cho cấp địa phương hưởng, thu bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và các khoản chi ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi của cấp địa phương."

Hiểu một cách đơn giản, ngân sách địa phương là nguồn ngân sách các cấp địa phương thu được từ ngân sách nhà nước và thu bổ sung từ ngân sách trung ương, bên cạnh đó sẽ thực hiện các nhiệm vụ chi thuộc cấp địa phương của mình.

Ngân sách địa phương

Ngân sách địa phương được chi vào những nội dung gì?

Nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương được quy định cụ thể tại Điều 16 Nghị định 163/2016/NĐ-CPĐiều 6 Thông tư 342/2016/TT-BTC, quy định:

(1) Chi đầu tư phát triển:

a) Đầu tư xây dựng cơ bản cho các chương trình, dự án do địa phương quản lý theo các lĩnh vực được quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích do nhà nước đặt hàng, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính của địa phương theo quy định của pháp luật; đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

c) Các khoản chi đầu tư phát triển khác theo quy định của pháp luật.

(2) Chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị ở địa phương được phân cấp trực tiếp quản lý trong các lĩnh vực:

a) Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề, bao gồm hoạt động giáo dục tiểu học, phổ thông, bổ túc văn hóa, nhà trẻ, mẫu giáo, phổ thông dân tộc nội trú và các hoạt động giáo dục khác; đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp, giáo dục nghề nghiệp và các hình thức đào tạo, bồi dưỡng khác;

b) Nghiên cứu khoa học, bao gồm các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, các hoạt động sự nghiệp khoa học, công nghệ khác;

c) Các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định riêng của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện;

d) Sự nghiệp y tế, dân số và gia đình, bao gồm hoạt động y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh; kinh phí đóng và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng do ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ theo quy định của Luật bảo hiểm y tế; vệ sinh an toàn thực phẩm; dân số và gia đình; các hoạt động y tế khác;

đ) Sự nghiệp văn hóa thông tin, bao gồm bảo tồn, bảo tàng, thư viện, trùng tu di tích lịch sử, lưu trữ lịch sử, các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật và các hoạt động văn hóa, thông tin khác;

e) Sự nghiệp phát thanh, truyền hình;

g) Sự nghiệp thể dục thể thao, bao gồm bồi dưỡng, huấn luyện huấn luyện viên, vận động viên các đội tuyển cấp tỉnh; các giải thi đấu cấp huyện, cấp tỉnh; quản lý các cơ sở thi đấu thể thao và các hoạt động thể dục, thể thao khác;

h) Sự nghiệp bảo vệ môi trường, bao gồm hoạt động điều tra, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường; khắc phục sự cố và bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm nước sạch và vệ sinh môi trường và hoạt động bảo vệ môi trường khác;

i) Các hoạt động kinh tế:

- Sự nghiệp giao thông, bao gồm hoạt động quản lý, bảo trì, sửa chữa, bảo đảm hoạt động, an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và hoạt động giao thông khác;

- Sự nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và phát triển nông thôn, bao gồm hoạt động phát triển nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi; xây dựng nông thôn mới và hoạt động phát triển nông thôn khác;

- Sự nghiệp tài nguyên, bao gồm hoạt động điều tra, quản lý đất đai, tài nguyên; đo đạc và bản đồ, đo đạc địa giới hành chính; lưu trữ hồ sơ địa chính và hoạt động quản lý tài nguyên khác;

- Quy hoạch; xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch;

- Sự nghiệp kiến thiết thị chính: duy tu, bảo dưỡng hệ thống đèn chiếu sáng, vỉa hè, hệ thống cấp nước, thoát nước, công viên và các hoạt động kiến thiết thị chính khác;

- Các hoạt động kinh tế khác, bao gồm cả tìm kiếm cứu nạn, an toàn vệ sinh lao động;

k) Hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội; hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định của pháp luật, bao gồm:

- Hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam; hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở địa phương;

- Hỗ trợ cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở địa phương theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ;

l) Chi bảo đảm xã hội, bao gồm các trại xã hội, cứu tế xã hội, cứu đói, phòng chống các tệ nạn xã hội và các chính sách an sinh xã hội khác; thực hiện các chính sách xã hội đối với các đối tượng do địa phương bảo đảm theo quy định của pháp luật;

m) Các khoản chi thường xuyên khác theo quy định của pháp luật, bao gồm chi nộp trả ngân sách cấp trên.

(3) Hạch toán, kế toán các khoản phát hành, hoán đổi, mua lại công cụ nợ trong nước vào ngân sách nhà nước:

a) Các khoản vay thông qua phát hành trái phiếu, tín phiếu Kho bạc, công trái xây dựng Tổ quốc được hạch toán kế toán theo giá trị mệnh giá;

b) Trường hợp có phát sinh chênh lệch giá bán trái phiếu, tín phiếu Kho bạc, công trái xây dựng Tổ quốc so với giá trị mệnh giá, chênh lệch giữa giá trị mệnh giá gốc trái phiếu được mua lại so với giá mua lại, thì số chênh lệch được kế toán theo dõi trên tài khoản riêng; kết thúc năm, căn cứ vào số dư tài khoản riêng nêu trên, trường hợp chênh lệch dương thì hạch toán giảm tương ứng chi trả nợ lãi của ngân sách, trường hợp chênh lệch âm được hạch toán tăng chi trả nợ lãi của ngân sách;

c) Đối với các khoản phát sinh chênh lệch giá trị mệnh giá của trái phiếu bị hoán đổi so với trái phiếu được hoán đổi, kế toán không hạch toán vào thu, chi ngân sách nhà nước; trường hợp chênh lệch dương thì hạch toán giảm dư nợ vay của ngân sách, trường hợp chênh lệch âm thì hạch toán tăng dư nợ vay của ngân sách ngay sau khi thực hiện hoán đổi trái phiếu”.

(4) Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính địa phương.

(5) Chi chuyển nguồn sang năm sau của ngân sách địa phương.

(6) Chi bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới.

Việc phân cấp thu - chi của ngân sách địa phương tại các cấp được thực hiện theo nguyên tắc nào?

Nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương được quy định tại Điều 7 Thông tư 342/2016/TT-BTC như sau:

(1) Việc phân cấp nguồn thu giữa ngân sách các cấp ở địa phương thực hiện theo quy định tại Điều 39 Luật Ngân sách nhà nước 2015, Điều 17 Nghị định 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ và các yêu cầu sau:

a) Gắn với nhiệm vụ và khả năng quản lý của từng cấp, hạn chế việc bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới; khuyến khích các cấp tăng cường quản lý thu, chống thất thu. Nguồn thu gắn liền với vai trò quản lý của cấp chính quyền nào thì phân cấp cho ngân sách cấp chính quyền đó;

b) Hạn chế phân cấp cho nhiều cấp ngân sách đối với các nguồn thu có quy mô nhỏ;

c) Bảo đảm tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu cho ngân sách cấp mình và ngân sách các cấp dưới không được vượt quá tỷ lệ phần trăm (%) phân chia theo quy định của cấp trên đối với từng khoản thu được phân chia.

(2) Việc phân cấp nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Điều 39 Luật Ngân sách nhà nước 2015Điều 17 Nghị định 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

(3) Trong thời kỳ ổn định ngân sách:

a) Không thay đổi tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách;

b) Hằng năm, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách cấp trên, cơ quan có thẩm quyền quyết định tăng thêm số bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới so với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách;

c) Các địa phương được sử dụng nguồn tăng thu hằng năm mà ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp để tăng chi thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đối với số tăng thu so với dự toán thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước 2015.

Trường hợp đặc biệt có phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động trong thời kỳ ổn định ngân sách làm ngân sách địa phương tăng thu lớn, thì số tăng thu phải nộp về ngân sách cấp trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định thu về ngân sách cấp trên số tăng thu này và thực hiện bổ sung có mục tiêu một phần cho ngân sách cấp dưới theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 40 Luật ngân sách nhà nước để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ở địa phương theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

d) Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ vào nguồn thu và nhiệm vụ chi được phân cấp, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu và mức bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách cấp trên, chế độ thu, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách và các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của địa phương, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu, chi ngân sách và chủ động quản lý, điều hành dự toán thu, chi ngân sách đã được Hội đồng nhân dân quyết định.

Như vậy, ngân sách địa phương được chi vào những nội dung trên. Việc phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương được thực hiện theo nguyên tắc nhất định.

Ngân sách nhà nước TẢI TRỌN BỘ CÁC QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Ngân sách địa phương
Dự phòng ngân sách địa phương
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Thư viện nhà đất
Nguồn thu của ngân sách địa phương gồm những khoản nào?
Pháp luật
Mẫu giấy nộp tiền vào Ngân sách Nhà nước C1-02/NS năm 2025 mới nhất? Hướng dẫn cách điền giấy nộp tiền vào Ngân sách Nhà nước?
Pháp luật
Ngân sách nhà nước là gì, gồm những khoản nào? Việc thu - chi ngân sách nhà nước cần có những điều kiện gì, phạm vi thực hiện ra sao?
Pháp luật
Tổng hợp 02 mẫu quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí chuẩn Nghị định 138? Tải về 02 mẫu?
Pháp luật
Mẫu Báo cáo quyết toán thu chi hằng năm của BQLDA nhóm 1 sử dụng vốn NSNN mới nhất? Thời gian thẩm tra và phê duyệt báo cáo?
Pháp luật
Mẫu Dự toán thu chi hằng năm của chủ đầu tư, BQLDA sử dụng vốn NSNN mới nhất? Cơ sở lập dự toán thu chi?
Pháp luật
Các khoản nộp ngân sách nhà nước từ hoạt động kinh tế của Nhà nước gồm các khoản thu nào theo quy định?
Pháp luật
Thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước kết thúc vào ngày nào? 08 yêu cầu quyết toán ngân sách nhà nước?
Pháp luật
Nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước gồm các nhiệm vụ nào? Dự toán chi đầu tư phát triển được lập trên cơ sở nào?
Pháp luật
Thời điểm công khai báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước là khi nào? Nội dung công khai gồm những gì?
Pháp luật
Ngân sách nhà nước được cân đối theo nguyên tắc nào? Số bổ sung cân đối ngân sách nhà nước là gì?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ngân sách nhà nước
65,050 lượt xem
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào