Toàn văn Nghị quyết 57 59 66 và 68 của Bộ Chính trị PDF? Nghị quyết 57 59 66 và 68 của Bộ Chính trị có bao nhiêu quan điểm chỉ đạo?
Toàn văn Nghị quyết 57 59 66 và 68 của Bộ Chính trị PDF?
Dưới đây là toàn văn Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024, Nghị quyết 59-NQ/TW năm 2025, Nghị quyết 66-NQ/TW năm 2025, Nghị quyết 68-NQ/TW năm 2025 của Bộ Chính trị PDF:
STT | Nghị quyết | File Pdf |
1 | Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024 đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia | |
2 | Nghị quyết 59-NQ/TW năm 2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. | (Tài liệu học tập ban hành kèm theo Hướng dẫn 09-HD/BTGDVTU năm 2025 về Nghị quyết 59-NQ/TW năm 2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới) Tiếp tục cập nhật |
3 | Nghị quyết 66-NQ/TW năm 2025 đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới | |
4 | Nghị quyết 68-NQ/TW năm 2025 về phát triển kinh tế tư nhân |
Toàn văn Nghị quyết 57 59 66 và 68 của Bộ Chính trị PDF? Nghị quyết 57 59 66 và 68 của Bộ Chính trị có bao nhiêu quan điểm chỉ đạo? (Hình từ Internet)
Nghị quyết 57 59 66 và 68 của Bộ Chính trị có bao nhiêu quan điểm chỉ đạo?
Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024, Nghị quyết 59-NQ/TW năm 2025, Nghị quyết 66-NQ/TW năm 2025, Nghị quyết 68-NQ/TW năm 2025 đề ra các quan điểm chỉ đạo như sau:
- Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024 đề ra 05 quan điểm chỉ đạo
(1) Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. (2) Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và Nhân dân đối với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. (3) Thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi, trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước. Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Chú trọng bảo đảm nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; có cơ chế, chính sách đặc biệt về nhân tài. Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc "hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí"; làm giàu, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu. (4) Phát triển nhanh và bền vững, từng bước tự chủ về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược; ưu tiên nguồn lực quốc gia đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát huy tối đa tiềm năng, trí tuệ Việt Nam gắn với nhanh chóng tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chú trọng nghiên cứu cơ bản, tiến tới tự chủ và cạnh tranh về công nghệ ở một số lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, tiềm năng, lợi thế. (5) Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an toàn thông tin của tổ chức và cá nhân là yêu cầu xuyên suốt, không thể tách rời trong quá trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. |
- Nghị quyết 59-NQ/TW năm 2025 đề ra 06 quan điểm chỉ đạo
(Dựa trên Tài liệu học tập ban hành kèm theo Hướng dẫn 09-HD/BTGDVTU năm 2025 về Nghị quyết 59-NQ/TW năm 2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới)
- Giữ vững định hướng chính trị; tăng cường quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, kết hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đồng bộ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả nhằm phát huy tiềm năng, thế và lực mới của đất nước, tạo động lực quan trọng để phát triển nhanh, bền vững đất nước; bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc là trên hết và trước hết, đồng thời tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. - Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; người dân và doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực và lực lượng chủ công. Mọi cơ chế, chính sách phải xuất phát từ quyền và lợi ích của Nhân dân. Phát huy mạnh mẽ ý chí tự lực, tự cường, tự tin, tự hào dân tộc; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; tính chủ động, tích cực, sáng tạo của mọi tổ chức, cá nhân; khai thác tiềm năng của toàn xã hội, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. - Hội nhập quốc tế phải trên cơ sở nội lực có vai trò quyết định, gia tăng và phát huy tối đa nội lực đi đôi với tranh thủ hiệu quả ngoại lực là quan trọng, gắn kết chặt chẽ và góp phần tích cực hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nâng cao sức mạnh tổng hợp và năng lực cạnh tranh quốc gia. - Hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực phải gắn kết chặt chẽ, bổ sung cho nhau, triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả, liên ngành trong một chiến lược tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm, với lộ trình và bước đi phù hợp. Hội nhập kinh tế là trung tâm, hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế, góp phần củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, đưa nền kinh tế tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, tạo động lực mới cho đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. - Không tham gia vào các tập hợp lực lượng, liên minh của bên này chống bên kia; kiên định về nguyên tắc, mục tiêu chiến lược, giữ vững thế chủ động, linh hoạt về sách lược và trong xử lý các vấn đề nảy sinh. - Tôn trọng và thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, đồng thời chủ động vận dụng hiệu quả hệ thống quy tắc, luật lệ, chuẩn mực chung và các cơ chế đa phương nhằm bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương; sẵn sàng đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải trong những vấn đề phù hợp với khả năng và lợi ích của đất nước; chủ động đóng góp trí tuệ, nguồn lực vào gìn giữ hòa bình, thúc đẩy hợp tác và phát triển quốc tế. |
- Nghị quyết 66-NQ/TW năm 2025 đề ra 05 quan điểm chỉ đạo
(1) Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành pháp luật. Tăng cường kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng tới chính sách. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự tham gia rộng rãi, thực chất của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong xây dựng và thi hành pháp luật. (2) Công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; là một nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. (3) Xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, “đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam”, tiếp thu có chọn lọc giá trị tinh hoa của nhân loại, bảo đảm tính hệ thống, nắm bắt mọi cơ hội, mở đường, khơi thông mọi nguồn lực, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho phát triển, tạo dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “hai con số”, nâng cao đời sống của Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. (4) Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật. (5) Đầu tư cho công tác xây dựng chính sách, pháp luật là đầu tư cho phát triển. Nhà nước bảo đảm và ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hoá hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số và có chế độ, chính sách đặc thù, vượt trội cho công tác nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật và đội ngũ cán bộ thực hiện các nhiệm vụ này. |
- Nghị quyết 68-NQ/TW năm 2025 đề ra 05 quan điểm chỉ đạo
(1) Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng. (2) Phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài; cần được cụ thể hoá trong các chiến lược, chính sách phát triển của đất nước; nhằm phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, kích hoạt, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong Nhân dân cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế. (3) Xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế; bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm; tạo dựng, củng cố niềm tin giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và doanh nhân; bảo đảm kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác của đất nước theo quy định của pháp luật. (4) Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu. Kịp thời xây dựng, hoàn thiện pháp luật và cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển trong những lĩnh vực ưu tiên, đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tham gia vào các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của quốc gia và vươn tầm khu vực, thế giới; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số và làm giàu hợp pháp, chính đáng. (5) Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hoá kinh doanh, bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo, nỗ lực vươn lên; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội. |
Hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị quyết 57 thế nào?
Tại Mục IV Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024 hướng dẫn tổ chức thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia như sau:
- Thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Trưởng Ban. Thành lập Hội đồng Tư vấn quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.
- Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tăng cường giám sát thực hiện theo quy định.
- Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết; phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết này và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hướng dẫn, vận động Nhân dân thực hiện Nghị quyết, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc quán triệt thực hiện Nghị quyết; hướng dẫn tăng cường tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết.
- Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết; định kỳ 6 tháng báo cáo kết quả với Ban Chỉ đạo Trung ương và Bộ Chính trị để chỉ đạo.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hướng dẫn sử dụng Bảo hiểm y tế trên VneID thay thể thẻ giấy để đi khám bệnh đơn giản như thế nào?
- Danh sách Ủy viên Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam 28 tỉnh và 6 thành phố sau sáp nhập phải đáp ứng số lượng bao nhiêu?
- Đề án của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 đúng không?
- Trọn bộ đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn chương trình mới năm 2025 2026 tham khảo? Tải đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn kèm đáp án và ma trận đề chi tiết?
- Ai dễ mắc bệnh nặng khi nhiễm bệnh COVID 19? Chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm?