Toàn văn Chỉ thị 12: Giám sát vốn Nhà nước và đánh giá hiệu quả và công khai thông tin tài chính doanh nghiệp Nhà nước?
Toàn văn Chỉ thị 12: Giám sát vốn Nhà nước và đánh giá hiệu quả và công khai thông tin tài chính doanh nghiệp Nhà nước?
Ngày 21/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg năm 2025 về giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Theo nội dung Chỉ thị 12/CT-TTg năm 2025, để thúc đẩy nâng cao hiệu quả công tác giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
(1) Đối với Bộ Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện việc giám sát tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính doanh nghiệp của các Cơ quan đại diện chủ sở hữu đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.
- Chủ động đôn đốc các Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện việc lập và gửi Báo cáo tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Báo cáo kết quả giám sát tài chính về Bộ Tài chính đảm bảo đầy đủ nội dung, đúng thời hạn.
- Tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Báo cáo giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Báo cáo kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp, tình hình doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích được giao của các Cơ quan đại diện chủ sở hữu theo đúng thời hạn.
- Đánh giá việc tuân thủ quy định về phạm vi, quy trình, thủ tục, thẩm quyền, việc thực hiện quyền và trách nhiệm trong hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp của các Cơ quan đại diện chủ sở hữu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo quy định của pháp luật trường hợp phát hiện vi phạm.
- Kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý theo quy định pháp luật đối với người có trách nhiệm của Cơ quan đại diện chủ sở hữu và người quản lý doanh nghiệp không thực hiện chế độ báo cáo; không chấp hành các khuyến nghị, chỉ đạo của Cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Tài chính.
- Chủ động rà soát các tồn tại, vướng mắc, vấn đề phát sinh trong thực tiễn, kịp thời báo cáo, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp phù hợp, hiệu quả, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành liên quan trong trường hợp cần thiết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và công tác giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
- Đánh giá, cảnh báo các doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính, trả lời các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.
(2) Đối với Cơ quan đại diện chủ sở hữu:
- Rà soát phạm vi, trình tự, thủ tục quyết định đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.
- Tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ quyền và trách nhiệm của Cơ quan đại diện chủ sở hữu về giám sát đầu tư vốn, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp đối với doanh nghiệp được giao quản lý; thực hiện giao chỉ tiêu đúng thời hạn, đủ nội dung theo quy định làm cơ sở để đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại cho doanh nghiệp và công khai thông tin.
- Nghiêm túc thực hiện việc lập và ban hành kế hoạch giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp được giao quản lý; chủ động tổ chức triển khai kế hoạch đã ban hành.
- Nghiêm túc thực hiện chế độ lập và báo cáo tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; báo cáo kết quả giám sát tài chính kỳ sáu (06) tháng và hằng năm gửi về Bộ Tài chính theo đúng thời hạn, đầy đủ nội dung quy định. Trường hợp không chấp hành đúng, Cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Tăng cường giám sát hoạt động đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào doanh nghiệp và việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (bao gồm cả vốn nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp các năm trước); kịp thời báo cáo, đề xuất các giải pháp với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp hiệu quả sử dụng vốn thực tế thấp hơn so với Đề án hoặc sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp sai mục đích.
- Tăng cường giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; kịp thời cảnh báo, chỉ đạo doanh nghiệp có giải pháp ngăn chặn, khắc phục các rủi ro, yếu kém; đưa ra các biện pháp chấn chỉnh và xử lý sai phạm về quản lý tài chính của doanh nghiệp; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.
- Xem xét trách nhiệm, quyết định việc kỷ luật đối với cá nhân, tổ chức liên quan không thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các nội dung về giám sát tài chính doanh nghiệp thuộc nhiệm vụ của Cơ quan đại diện chủ sở hữu.
- Lập và gửi Bộ Tài chính Báo cáo tình hình thực hiện công khai thông tin tài chính của Cơ quan đại diện chủ sở hữu và các doanh nghiệp theo quy định.
- Phổ biến Chỉ thị 12/CT-TTg năm 2025 đến các doanh nghiệp được giao quản lý bảo đảm thực hiện nhất quán.
(3) Đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước:
- Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
- Thực hiện lập và gửi các báo cáo phục vụ công tác giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp của Cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Tài chính theo quy định.
- Nghiêm túc thực hiện công khai thông tin, minh bạch tình hình tài chính của doanh nghiệp.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo, khuyến nghị của Cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Tài chính.
Toàn văn Chỉ thị 12: Giám sát vốn Nhà nước và đánh giá hiệu quả và công khai thông tin tài chính doanh nghiệp Nhà nước? (Hình từ Internet)
Khái niệm đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp là gì?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 quy định:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đâu được hiểu như sau:
...
3. Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp là việc Nhà nước sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước hoặc vốn từ các quỹ do Nhà nước quản lý để đầu tư vào doanh nghiệp.
...
Như vậy, việc Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp thông qua sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước hoặc từ các quỹ, gọi là Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.
Mục đích của việc giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp là gì?
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 87/2015/NĐ-CP, mục đích của việc giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp như sau:
(1) Đánh giá việc tuân thủ quy định về phạm vi, quy trình, thủ tục, thẩm quyền và hiệu quả đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.
(2) Đánh giá đầy đủ, kịp thời tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp để có biện pháp khắc phục tồn tại, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, nhiệm vụ công ích, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh.
(3) Giúp nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu kịp thời phát hiện các yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cảnh báo và đề ra biện pháp chấn chỉnh.
(4) Thực hiện công khai minh bạch tình hình tài chính của doanh nghiệp nhà nước.
(5) Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.







Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Gợi ý quà tặng mẹ ý nghĩa nhân dịp Ngày của Mẹ? Top những lời chúc hay và ý nghĩa nhân Ngày của mẹ?
- Sau sáp nhập giảm gần 130 000 biên chế cán bộ công chức cấp tỉnh và cấp xã theo dự kiến ra sao?
- Những văn bản nào không được đăng tải trên công báo điện tử? Thời hạn đăng tải văn bản trên công báo điện tử là bao lâu?
- Quy định mới về kinh phí đào tạo Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có nội dung thế nào?
- Biện pháp phòng thủ dân sự được áp dụng trong tình trạng chiến tranh và khẩn cấp là biện pháp nào?