Người sử dụng lao động có được từ chối tạm ứng tiền lương cho người lao động không? Mức tạm ứng tiền lương năm 2023 tối đa là bao nhiêu?
Người sử dụng lao động có được từ chối tạm ứng tiền lương cho người lao động không?
Theo Bộ Luật Luật lao động 2019, thì người lao động được tạm ứng tiền lương trong các trường hợp sau:
Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên (Khoản 3 Điều 97)
Nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
Thực hiện nghĩa vụ (Khoản 2 Điều 101)
Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.
Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.
Nghỉ hằng năm (khoản 3 Điều 101)
Người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.
Tạm đình chỉ công việc (khoản 2 Điều 128)
Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Theo thỏa thuận (Khoản 1 Điều 101)
Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.
Do đó, ngoài các trường hợp bắt buộc phải tạm ứng thì việc tạm ứng tiền lương cho người lao động dựa trên sự thỏa thuận của hai bên. Nếu người sử dụng lao động từ chối tạm ứng tiền lương cho nhân viên thì cũng không vi phạm pháp luật.
Người sử dụng lao động có được từ chối tạm ứng tiền lương cho người lao động không? Mức tạm ứng tiền lương năm 2023 tối đa là bao nhiêu? (Hình từ internet)
Người lao động được tạm ứng tiền lương với mức tối đa bao nhiêu?
Tương ứng với các trường hợp được tạm ứng tiền lương, người lao động được tạm ứng với mức như sau:
Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên (Khoản 3 Điều 97)
Hàng tháng, người lao động được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
Do đó, mức lương tạm ứng sẽ phụ thuộc vào khối lượng, số lượng công việc người lao động đã làm trong tháng. Và theo cách người lao động, làm nhiều ứng nhiều, làm ít ứng ít.
Thực hiện nghĩa vụ (Khoản 2 Điều 101)
Mức lương tạm ứng tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Nghỉ hằng năm (khoản 3 Điều 101)
Khi nghỉ hàng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.
Trong đó, theo Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm:
- 12 ngày làm việc nếu làm công việc trong điều kiện bình thường;
- 14 ngày làm việc nếu là lao động chưa thành niên, người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- 16 ngày làm việc nếu làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Nếu làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hàng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
Pháp luật chỉ quy định mức lương tạm ứng tối thiểu trong trường hợp này, mà không quy định mức tối đa. Do đó, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để tạm ứng số tiền lớn hơn tiền lương của những ngày nghỉ.
Tạm đình chỉ công việc (khoản 2 Điều 128)
Pháp luật cho phép người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Nếu có bị xử lý kỷ luật lao động thì người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.
Theo thỏa thuận (Khoản 1 Điều 101)
Ghi nhận sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động trong việc tạm ứng tiền lương về điều kiện cũng như mức tạm ứng. Trên cơ sở này, pháp luật không hạn chế mức tối đa mà người lao động được tạm ứng.
Quy trình tạm ứng tiền lương cho người lao động hiện nay?
- Bước 1: Người lao động lập giấy Đề nghị tạm ứng
- Bước 2: Nhân viên trình trưởng phòng Giấy đề nghị tạm ứng: Sau khi mẫu giấy hoàn thiện bạn xin ý kiến trưởng bộ phận. Trường hợp đồng ý, trưởng phòng ký vào giấy cũng như phê duyệt yêu cầu.
- Bước 3: Trình giám đốc ký duyệt tạm ứng: Người lao động tiếp tục trình lên giám đốc để xem xét, phê duyệt nguyện vọng.
- Bước 4: Chuyển kế toán thanh toán viết phiếu chi: Kế toán sẽ thực hiện khi đơn tạm ứng được giám đốc phê duyệt. Nhiệm vụ của họ chính là kiểm tra tính đúng đắn thông tin khai báo. Sau đó, kế toán viết phiếu chi và ký tên người lập phiếu.
- Bước 5: Kế toán trưởng duyệt chi: Sau khi viết phiếu chi xong sẽ cần Kế toán trưởng kiểm tra, ký duyệt.
- Bước 6: Trình Giám đốc duyệt chi: Kế toán thanh toán chuyển phiếu để Giám đốc ký duyệt một lần nữa.
- Bước 7: Chi tiền cho nhân viên: Căn cứ phiếu chi đầy đủ chữ ký thủ quỹ chi tiền đề nghị được phê duyệt.
- Bước 8: Hạch toán kế toán và lưu trữ chứng từ: Kế toán lưu lại chứng từ, đơn đề nghị vào sổ sách.
Không tạm ứng tiền lương cho người lao động thì có bị xử phạt hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP:
Vi phạm quy định về tiền lương
...
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công; không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm; không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Theo đó, người sử dụng lao động không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc sẽ bị phạt tiền theo các mức quy định trên. Mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức là 02 lần mức phạt đối với cá nhân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu danh sách đề nghị tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng mới nhất là mẫu nào?
- Lỗi phạt nguội bao lâu thì lên hệ thống 2025? Cách check Biển số xe bị phạt nguội trên csgt vn?
- Cán bộ, công chức, viên chức tinh giản biên chế theo Nghị định 29 được hưởng chế độ chính sách tại Nghị định 178 khi nào?
- Lỗi không chấp hành thổi nồng độ cồn xe máy 2025? Mức phạt lỗi không chấp hành thổi nồng độ cồn xe máy?
- Mẫu Nhật ký công tác triển khai dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin mới nhất? Nội dung nhật ký gồm những thông tin cơ bản nào?