Giỗ Tổ Hùng Vương là giỗ ai? Nguồn gốc ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương? Lời chúc Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3?
Giỗ Tổ Hùng Vương là giỗ ai? Nguồn gốc ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương?
Thông tin "Giỗ Tổ Hùng Vương là giỗ ai? Nguồn gốc ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương?" được nêu rõ tại Thông tin tuyên truyền tháng 4/2020 tải về của Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh như sau:
Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương, là một lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mồng 10-3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Trước đó hàng tuần, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa dân gian và kết thúc vào ngày 10-3 âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.
Từ xa xưa, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi”.
Như vậy, có thể hiểu từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ ngày 10-3 âm lịch. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.
Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10-3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng 10-3 hằng năm làm ngày Quốc lễ, tức trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11-3) do dân sở tại làm lễ”. Kể từ đây, Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10-3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.
Sau cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL-CTN ngày 18- 2-1946 cho công chức nghỉ ngày 10-3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.
Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm cáo với tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
...
Ngày 6-12-2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng ngàn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Thông tin "Giỗ Tổ Hùng Vương là giỗ ai? Nguồn gốc ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương?" được giải thích như trên.
Giỗ Tổ Hùng Vương là giỗ ai? Nguồn gốc ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương? Lời chúc Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3? (Hình từ Internet)
Lời chúc Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3?
Lời chúc Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 như sau:
"Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, kính chúc mọi người sức khỏe dồi dào, bình an hạnh phúc. Nguyện cùng nhau gìn giữ truyền thống 'Uống nước nhớ nguồn' của dân tộc Việt Nam anh hùng!"
"Mùng 10 tháng 3 – Lòng thành kính dâng lên các Vua Hùng. Chúc quê hương mãi vững bền, dân tộc Việt Nam đoàn kết, thịnh vượng!"
"Nhớ ngày Giỗ Tổ, hướng về cội nguồn – Chúc cả nhà an lành, may mắn!"
"10/3 – Ngàn năm tưởng nhớ công ơn Vua Hùng. Chúc mọi người luôn tự hào là con Lạc cháu Hồng!"
"Nhân ngày Giỗ Tổ, chúc các em nhỏ luôn chăm ngoan, học giỏi để xứng đáng là 'Con cháu Vua Hùng'!"
"Mùng 10/3 – Cùng nhau kể chuyện Âu Cơ, Lạc Long Quân và các Vua Hùng nhé! Chúc các bé luôn tự hào về lịch sử nước mình!"
Giỗ tổ Hùng Vương được nghỉ mấy ngày?
Căn cứ tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc nghỉ lễ, tết như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Như vậy, lịch nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) năm 2025 như sau:
Theo điểm e khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động trong 1 ngày là ngày 10 tháng 3 Âm lịch.
Theo đó, năm 2025 ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương rơi vào thứ hai ngày 07/4/2025. Nếu ngày này là ngày làm việc trong tuần của người lao động thì người lao động sẽ được nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025 hưởng nguyên lương 1 ngày và không nghỉ bù.
Nếu ngày Giỗ tổ Hùng Vương 2025 trùng với ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động sẽ được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Tuy nhiên, thường thì ngày nghỉ hằng tuần của người lao động rơi vào thứ 7, chủ nhật trong tuần. Do đó, sẽ có 2 trường hợp như sau:
- Đối với người lao động có ngày nghỉ hằng tuần rơi vào thứ 7, chủ nhật thì người lao động được nghỉ 3 ngày từ thứ bảy ngày 5/4/2025 Dương lịch đến hết thứ hai ngày 7/4/2025 Dương lịch.
- Đối với người lao động có ngày nghỉ hằng tuần tơi vào chủ nhật thì người lao động được nghỉ 2 ngày từ chủ nhật ngày 6/4/2025 Dương lịch đến hết thứ hai ngày 7/4/2025 Dương lịch.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hiện tượng khúc xạ ánh sáng là gì? Phát biểu được định luật khúc xạ ánh sáng là yêu cầu đối với học sinh lớp mấy?
- Mẫu tranh vẽ cổ động phòng chống thuốc lá trong trường học? Những nội dung nào cần được giáo dục về phòng chống tác hại của thuốc lá?
- Tiêu chuẩn chức danh thư ký Tổng Bí thư? Chức danh thư ký Tổng Bí thư cần đáp ứng điều kiện và tiêu chuẩn gì?
- Xe mô tô (xe máy) được chở hàng hóa có tải trọng tối đa là bao nhiêu theo quy định của pháp luật hiện nay?
- Kỷ niệm chương thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ có bao nhiêu loại? Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương?