Điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy năm 2025? Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy ra sao?
Điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy năm 2025?
Thông tin về điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy năm 2025 dưới đây:
Căn cứ tại Điều 18 Nghị định 23/2025/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy năm 2025 như sau:
Doanh nghiệp được quyền đăng ký một hoặc các dịch vụ tin cậy. Khi đăng ký bất kỳ dịch vụ tin cậy, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Giao dịch điện tử 2023. Trong đó, các điều kiện tại điểm b, c, d, đ khoản 1 Điều 29 Luật Giao dịch điện tử 202 được quy định chi tiết như sau:
(1) Về điều kiện tài chính để giải quyết rủi ro và các khoản đền bù có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ và thanh toán chi phí tiếp nhận, duy trì cơ sở dữ liệu thông tin liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp được lựa chọn thực hiện một trong các hình thức sau:
- Ký quỹ tại một ngân hàng thương mại tại Việt Nam áp dụng cho một hoặc các dịch vụ tin cậy. Mức ký quỹ là 10 tỷ đồng Việt Nam cho mỗi 300 nghìn thuê bao và không thấp hơn 10 tỷ đồng Việt Nam, với điều kiện doanh nghiệp không được thu tiền trả trước quá 01 năm từ thuê bao;
- Mua bảo hiểm trách nhiệm, thiệt hại đối với hoạt động cung cấp dịch vụ tin cậy để bảo đảm quyền lợi của thuê bao trong suốt thời gian cung cấp dịch vụ.
(2) Điều kiện nhân lực quản lý và kỹ thuật:
- Nhân lực về vận hành hệ thống gồm: quản trị, vận hành, an toàn, an ninh thông tin, kiểm soát quyền ra vào, giám sát và kiểm tra, quản lý vòng đời chứng thư chữ ký số, quản lý vòng đời khóa;
- Nhân lực cung cấp dịch vụ gồm: kiểm toán kỹ thuật, bảo mật, cấp, tạm dừng, huỷ, cài đặt và bảo hành; xác minh danh tính thuê bao (đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu);
- Nhân lực chịu trách nhiệm về an toàn, an ninh thông tin, bảo mật có trình độ từ đại học trở lên về an toàn thông tin và có kinh nghiệm tối thiểu 02 năm tương ứng với ngành được đào tạo;
- Nhân lực chịu trách nhiệm về quản trị, vận hành, kiểm toán kỹ thuật, cấp, tạm dừng, huỷ, cài đặt và bảo hành, giám sát và kiểm tra, quản lý vòng đời khóa có trình độ từ đại học trở lên về công nghệ thông tin hoặc gần đào tạo về công nghệ thông tin và có kinh nghiệm tối thiểu 02 năm tương ứng với ngành được đào tạo.
(3) Phương án kỹ thuật phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ áp dụng chung cho các loại dịch vụ tin cậy, phải thể hiện các nội dung sau:
- Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu kỹ thuật về chữ ký số, chứng thư chữ ký số; dịch vụ tin cậy; an toàn thông tin mạng; an ninh mạng;
- Lưu trữ đầy đủ, chính xác và cập nhật thông tin thuê bao; cập nhật danh sách các chứng thư chữ ký số có hiệu lực, bị tạm dừng, bị thu hồi; thuê bao có thể truy cập, sử dụng Internet truy nhập trực tuyến 24 giờ trong ngày và 07 ngày trong tuần;
- Bảo đảm mỗi cặp khóa được tạo ra ngẫu nhiên và đúng một lần duy nhất; có tính năng bảo đảm khóa bí mật không bị phát hiện khi có khóa công khai tương ứng;
- Cảnh báo, ngăn chặn và phát hiện truy nhập bất hợp pháp trên môi trường điện tử;
- Thành phần quản lý vòng đời chứng thư chữ ký số được thiết kế theo xu hướng giảm thiểu tối đa sự tiếp xúc trực tiếp với môi trường điện tử và độc lập với các hệ thống không phục vụ cho dịch vụ tin cậy;
- Hệ thống thông tin phải bảo đảm an toàn thông tin mạng tối thiểu cấp độ 3 và bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng;
- Kiểm soát sự ra vào, quyền truy nhập hệ thống, quyền ra vào nơi đặt thiết bị;
- Dự phòng bảo đảm duy trì hoạt động an toàn, liên tục và khắc phục khi có sự cố xảy ra, các quy trình thực hiện sao lưu dữ liệu, sao lưu trực tuyến dữ liệu, khôi phục dữ liệu, có khả năng phục hồi dữ liệu chậm nhất là 08 giờ làm việc kể từ thời điểm hệ thống gặp sự cố; trung tâm dự phòng cách xa trung tâm dữ liệu chính tối thiểu 20 kilomet và sẵn sàng hoạt động khi hệ thống chính gặp sự cố;
- Hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ đặt tại Việt Nam;
- Quy chế chứng thực theo quy định tại Điều 29 Nghị định 23/2025/NĐ-CP.
(4) Đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, phương án kỹ thuật phải đáp ứng quy định tại (3) và bổ sung các nội dung sau:
- Hệ thống phân phối khóa cho thuê bao phải bảo đảm sự toàn vẹn và bảo mật của cặp khóa. Trong trường hợp phân phối khóa thông qua môi trường mạng máy tính thì hệ thống phân phối khóa phải sử dụng các giao thức bảo mật bảo đảm không lộ thông tin trên đường truyền;
- Giải pháp cung cấp thông tin (chứng thư chữ ký số, báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định) bằng phương tiện điện tử cho tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia, phục vụ công tác quản lý nhà nước.
(5) Đối với dịch vụ dấu thời gian và dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, phương án kỹ thuật phải đáp ứng quy định tại (3) và bổ sung các nội dung sau:
- Nguồn thời gian theo quy định của pháp luật về nguồn thời gian chuẩn quốc gia;
- Giải pháp cung cấp thông tin (mã bảo đảm toàn vẹn thông điệp dữ liệu, sự kiện giao dịch (event log), báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định) bằng phương tiện điện tử cho tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia, phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy năm 2025? Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy ra sao? (Hình ảnh Internet)
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy ra sao?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 23/2025/NĐ-CP quy định về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 23/2025/NĐ-CPy, trong đó nêu rõ loại hình dịch vụ tin cậy sẽ kinh doanh;
- Bản sao hợp lệ bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao đối chiếu với bản chính của một trong các giấy tờ sau: giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về doanh nghiệp;
- Văn bản chứng minh đáp ứng được các điều kiện về tài chính quy định khoản 1 Điều 18 Nghị định 23/2025/NĐ-CP;
- Hồ sơ nhân lực quản lý và kỹ thuật gồm: lý lịch tư pháp, bản sao có chứng thực bằng đại học trở lên của đội ngũ nhân lực quản lý và kỹ thuật theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 23/2025/NĐ-CP, bản mô tả về công việc và kinh nghiệm đã có tương ứng với vị trí nhân lực quản lý và kỹ thuật, hợp đồng lao động và quyết định phân công;
- Phương án kỹ thuật phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ phù hợp với từng loại dịch vụ tin cậy nhằm bảo đảm quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 18 Nghị định 23/2025/NĐ-CP;
- Quy chế chứng thực theo quy định tại Điều 29 Nghị định 23/2025/NĐ-CP.
Quy trình giải quyết hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy ra sao?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 23/2025/NĐ-CP quy định về quy trình giải quyết hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy như sau:
(1) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị phối hợp thẩm tra hồ sơ của Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ và cơ quan, tổ chức có liên quan.
Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị phối hợp thẩm tra hồ sơ, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm trả lời bằng văn bản;
(2) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ ý kiến phối hợp thẩm tra quy định tại điểm a khoản này, Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm tra và cấp giấy phép theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 23/2025/NĐ-CP. Trường hợp từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản thông báo và nêu rõ lý do;
(3) Trong vòng 01 năm kể từ khi được cấp phép, tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy phải triển khai trên thực tế các điều kiện quy định tại Điều 18 Nghị định 23/2025/NĐ-CP; báo cáo triển khai hoạt động cung cấp dịch vụ tin cậy theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 23/2025/NĐ-CP;
(4) Chứng thư chữ ký số được cấp, cấp lại cho tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 21 Nghị định 23/2025/NĐ-CP và dựa trên đánh giá thực tế về quy trình vận hành hệ thống và quy chế chứng thực;
Sự phù hợp của hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ tin cậy với hồ sơ cấp giấy phép và chứng kiến việc tạo cặp khóa (khóa bí mật và khóa công khai) của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy. Trường hợp từ chối, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Lưu ý: Nghị định 23/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/4/2025.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

- Cục cảnh sát hình sự có thuộc tổ chức của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an không theo Thông tư 11?
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm cảm xúc về một hoạt động vì cộng đồng của các chú bộ đội hay và chọn lọc?
- Thông tư 11 quy định về tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra áp dụng với những đối tượng nào?
- Thuyết minh về ngày hội đọc sách mà em được tham gia? Thuyết minh về ngày hội đọc sách lớp 6 ngắn gọn?
- Dữ liệu về nhà ở địa phương trong kế hoạch phát triển nhà ở địa phương bao gồm những dữ liệu gì?