Điểm mới Thông tư 002/2025/TT-BNV sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 hướng dẫn chính sách đối với CBCC trong sắp xếp bộ máy?
Điểm mới Thông tư 002/2025/TT-BNV sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 hướng dẫn chính sách đối với CBCC trong sắp xếp bộ máy?
Ngày 04/04/2025, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 002/2025/TT-BNV về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2025/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Điểm mới Thông tư 002/2025/TT-BNV sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2025/TT-BNV như sau:
(1) Sửa đổi, bổ sung phạm vi điều chỉnh
Tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 002/2025/TT-BNV sửa đổi, bổ sung Điều 1 Thông tư 01/2025/TT-BNV như sau:
Thông tư 01/2025/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (bao gồm người làm việc trong tổ chức cơ yếu) trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều 1 Nghị định 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP) trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, gồm: cách xác định thời điểm và tiền lương tháng để tính hưởng chính sách, chế độ; cách tính hưởng chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi; cách tính hưởng chính sách thôi việc đối với cán bộ, công chức và cán bộ, công chức cấp xã; cách tính hưởng chính sách thôi việc đối với viên chức, người lao động; cách tính hưởng chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp.
=> Như vậy, Thông tư 002/2025/TT-BNV bổ sung mở rộng phạm vi điều chỉnh tại Thông tư 01/2025/TT-BNV, cụ thể: "bổ sung cách tính hưởng chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu".
(2) Sửa đổi, bổ sung đối tượng áp dụng
Tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 002/2025/TT-BNV sửa đổi, bổ sung Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BNV, cụ thể:
Cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người lao động quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm g khoản 1 và khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 2 Nghị định 178/2024/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 67/2025/NĐ-CP và người làm việc trong tổ chức cơ yếu (không bao gồm đối tượng thuộc trách nhiệm hướng dẫn của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định tại Điều 22 Nghị định 178/2024/NĐ-CP) quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị định 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP)
(3) Bổ sung quy định về tiền lương tháng hiện hưởng, sửa cách tính lương tháng hiện hưởng
Tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 002/2025/TT-BNV sửa đổi, bổ sung Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BNV, quy định:
Đối với người hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định
Tiền lương tháng hiện hưởng bao gồm: Mức tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc hàm, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp và các khoản tiền phụ cấp lương (gồm: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp thâm niên nghề; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp trách nhiệm theo nghề; phụ cấp công vụ; phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang) và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) theo quy định của pháp luật về tiền lương.
=> Như vậy, Thông tư 002/2025/TT-BNV bổ sung tiền lương tháng hiện hưởng sẽ có thêm hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) theo quy định của pháp luật về tiền lương (trước đó, quy định này đã được nêu rõ tại khoản 6 Điều 5 Nghị định 178/2024/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 67/2025/NĐ-CP)
Sửa cách tính lương tháng hiện hưởng chia thành 2 trường hợp như sau:
Tiền lương tháng hiện hưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động = (Hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp x Mức lương cơ sở) + (Hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) x Mức lương cơ sở) + (Mức tiền các khoản phụ cấp tính theo lương ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có)) |
Tiền lương tháng hiện hưởng đối với người làm công tác cơ yếu = (Hệ số lương theo cấp bậc hàm cơ yếu hoặc bậc lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu hiện hưởng x Mức lương cơ sở) + (Hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) x Mức lương cơ sở) + (Mức tiền các khoản phụ cấp tính cấp bậc hàm cơ yếu hoặc bậc lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu hiện hưởng và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có)) |
Mức lương cơ sở để tính tiền lương tháng hiện hưởng nêu trên là mức lương cơ sở do Chính phủ quy định tại thời điểm tháng trước liền kề tháng nghỉ việc.
(4) Sửa đổi, bổ sung quy định về cách tính hưởng chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi
Như đã phân tích điểm mới chế độ về hưu trước tuổi mới nhất 2025 theo Nghị định 67/2025/NĐ-CP tại đây thì, chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi có nhiều thay đổi, trong đó:
- Bổ sung thêm chính sách nghỉ hưu trước tuổi theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và số năm nghỉ sớm tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 67/2025/NĐ-CP như sau:
Trường hợp đủ 15 năm công tác trở lên có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và thuộc đối tượng được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm nghỉ hưu trước tuổi thì được trợ cấp 04 tháng tiền lương hiện hưởng đối với 15 năm đầu công tác; từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
- Bổ sung hai chính sách về nghỉ hưu trước tuổi tại Điều 7a, 7b Nghị định 178/2024/NĐ-CP gồm:
+ Chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi do tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
+ Chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm hoặc đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm
Do đó, tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 002/2025/TT-BNV sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư 01/2025/TT-BNV. Trong đó, bổ sung mới các quy định về chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi nêu trên, cụ thể:
Trường hợp có tuổi đời còn từ đủ 02 năm đến đủ 05 năm; còn trên 05 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu, bổ sung cách tính trợ cấp theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
Đối với những người nghỉ trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực thi hành (trừ nữ cán bộ, công chức cấp xã) thì mức trợ cấp được tính như sau: 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 05 tháng tiền lương hiện hưởng; đối với số năm còn lại (từ năm thứ 21 trở đi), mỗi năm được trợ cấp bằng 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
Mức trợ cấp tính theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc = (Tiền lương tháng hiện hưởng X 05 (đối với 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) + (0,5 x Số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn lại từ năm thứ 21 trở đi)) |
Đối với nữ cán bộ, công chức cấp xã nghỉ từ ngày 01/01/2025 trở đi và những người nghỉ từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực thi hành thì mức trợ cấp được tính như sau: 15 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 04 tháng tiền lương hiện hưởng; đối với số năm còn lại (từ năm thứ 16 trở đi), mỗi năm được trợ cấp bằng 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
Mức trợ cấp tính theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc = (Tiền lương tháng hiện hưởng x 04 (đối với 15 năm đầu công tác có đóng + bảo hiểm xã hội bắt buộc) + (0,5 x Số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn lại từ năm thứ 16 trở đi)) |
Bổ sung cách tính mới cho các trường hợp được quy định tại Điều 7a, b Nghị định 178/2024/NĐ-CP
>> CHI TIẾT Ví dụ và cách tính nghỉ hưu trước tuổi theo Thông tư 002 sửa đổi Thông tư 01
(5) Thông tư 002/2025/TT-BNV về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2025/TT-BNV hướng dẫn cách tính hưởng chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu như sau:
Người làm việc trong tổ chức cơ yếu quy định tại Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BNV (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 002/2025/TT-BNV) được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi và chính sách thôi việc như cách tính hưởng quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 Thông tư 01/2025/TT-BNV (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 002/2025/TT-BNV).
Điểm mới Thông tư 002/2025/TT-BNV sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2025/TT-BNV như trên.
Điểm mới Thông tư 002/2025/TT-BNV sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 hướng dẫn chính sách đối với CBCC trong sắp xếp bộ máy? (Hình từ Internet)
Hướng dẫn thực hiện Nghị định 178 sửa đổi bởi Nghị định 67 2025?
Ngày 15 tháng 3 năm 2025 Chính phủ ban hành Nghị định 67/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (sau đây gọi tắt là Nghị định 67 2025).
Hướng dẫn thực hiện Nghị định 178/2024/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 67/2025/NĐ-CP như sau:
+ UBND Thành phố Hà Nội ban hành Hướng dẫn 01/HD-UBND năm 2025 Hướng dẫn khung tiêu chí và thang điểm đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các sở, ban, ngành; đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố; UBND quận, huyện, thị xã; các hội do Đảng, nhà nước giao nhiệm vụ thuộc Thành phố (sau đây gọi tắt là các cơ quan, tổ chức, đơn vị) để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và giải quyết chính sách, chế độ theo quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP và Nghị định 67/2025/NĐ-CP tải về.
+ Thông tư 01/2025/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
+ Thông tư 07/2025/TT-BTC hướng dẫn xác định nguồn kinh phí và lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
+ Thông tư 002/2025/TT-BNV về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2025/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Đối tượng áp dụng Nghị định 178?
Căn cứ theo Điều 2 Nghị định 178/2024/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 67/2025/NĐ-CP nêu rõ đối tượng áp dụng như sau:
(1) Cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều 1 Nghị định 178/2024/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 67/2025/NĐ-CP và lực lượng vũ trang chịu sự tác động trực tiếp của việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp (sau đây viết tắt là sắp xếp tổ chức bộ máy), bao gồm:
(i) Công chức, viên chức không giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý;
(ii) Cán bộ, công chức cấp xã;
(iii) Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động một số loại công việc trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật trước thời điểm ngày 15 tháng 01 năm 2019 và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được áp dụng chính sách như công chức (sau đây viết tắt là người lao động);
(iv) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam;
(v) Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân công an và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Công an nhân dân;
(vi) Người làm việc trong tổ chức cơ yếu;
(vii) Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 1 Nghị định 178/2024/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 67/2025/NĐ-CP, có nguyện vọng nghỉ việc để tạo điều kiện thuận lợi trong việc sắp xếp số lượng cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý theo quy định của pháp luật trong việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
(2) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật trước thời điểm ngày 15 tháng 01 năm 2019 và lực lượng vũ trang còn đủ 05 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều 1 Nghị định 178/2024/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 67/2025/NĐ-CP không chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng phải thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
(3) Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước tại các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện chịu tác động trực tiếp của việc thực hiện sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập tổ chức bộ máy.
(4) Cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Nghị định 177/2024/NĐ-CP; cán bộ đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm cấp ủy cùng cấp, có thời gian công tác tính từ ngày bắt đầu tổ chức đại hội còn từ 2,5 năm (30 tháng) đến 05 năm (60 tháng) đến đủ tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 177/2024/NĐ-CP và cán bộ đang tham gia cấp ủy ở các đảng bộ phải kết thúc hoạt động, kiện toàn tổ chức bộ máy còn 05 năm (60 tháng) trở xuống đến tuổi nghỉ hưu, có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện sắp xếp nhân sự cấp ủy trong kỳ đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và được cấp có thẩm quyền đồng ý.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người sinh ngày 14 tháng 4: Tính cách, sự nghiệp, tình yêu, sức khỏe thế nào? Sự kiện 14 4? 14 4 có phải lễ lớn?
- Sáp nhập tỉnh Vĩnh Phúc tỉnh Phú Thọ và tỉnh Hoà Bình theo Nghị quyết 60 thành tỉnh tên gì dự kiến?
- Bài phát biểu ôn lại truyền thống 30 4 hay nhất 2025? Bài phát biểu kỷ niệm 30 tháng 4? 30 tháng 4 là ngày gì của Việt Nam?
- Danh sách các tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương sau sáp nhập tỉnh thành 2025 (dự kiến)?
- Lời khai mạc Ngày hội đọc sách 2025 ngắn gọn? Màn chào hỏi Ngày hội đọc sách? Lời giới thiệu về Ngày hội đọc sách?