Hành vi dắt thú cưng chạy theo xe máy bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào? Chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm gì khi thú cưng gây tai nạn?
Hành vi dắt thú cưng chạy theo xe máy bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Thú cưng hay còn gọi là vật cưng, thú cảnh, đây là những loài động vật được nuôi trong nhà để làm cảnh, được con người nâng niu, chăm sóc như những người bạn, đứa con tinh thần mang lại niềm vui, an ủi trong cuộc sống. Chính vì vậy, nhiều người khi đi dạo, đi chơi thường muốn dắt thú cưng đi theo.
Tuy nhiên, việc dắt thú cưng chạy theo xe máy bị coi là hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
"1. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không nhường đường theo quy định, không báo hiệu bằng tay khi chuyển hướng;
b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;
c) Không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố;
d) Điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới;
đ) Để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông;
e) Đi dàn hàng ngang từ 02 xe trở lên;
g) Để súc vật kéo xe mà không có người điều khiển;
h) Điều khiển xe không có báo hiệu theo quy định.
2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;
b) Dắt súc vật chạy theo khi đang điều khiển hoặc ngồi trên phương tiện giao thông đường bộ;
c) Xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định.
3. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo đi vào đường cao tốc trái quy định."
Do đó, người đang điều khiển xe máy mà dắt thú cưng chạy theo sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng. Bên cạnh đó, người điều khiển, dẫn dắt súc vật vi phạm quy tắc giao thông đường bộ còn bị phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng nếu vi phạm các quy định như không nhường đường theo quy định, không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn giao thông,...tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này. Còn nếu như người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo đi vào đường cao tốc trái quy định sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng theo khoản 3 Điều 10 Nghị định này.
Hành vi dắt thú cưng chạy theo xe máy bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Người chủ phải chịu trách nhiệm gì khi thú cưng gây tai nạn?
Trường hợp người lái xe chẳng may “tuột tay” khiến thú cưng của mình lao vào người đi đường gây tai nạn giao thông, chủ xe phải chịu trách nhiệm như sau:
Bồi thường thiệt hại cho người bị thú cưng gây tai nạn
Căn cứ theo Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau:
- Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Như vậy khi thú cưng gây tai nạn cho người đi đường, người chủ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trong đó có thiệt hại về tài sản và thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.
Căn cứ Điều 589, Điều 590 và Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu thú cưng gây tai nạn thì phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại những chi phí như sau: chi phí sửa chữa phương tiện hư hỏng; chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ; thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại; bồi thường chi phí mai táng và thay người bị thiệt hại thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nếu người này chết,….
Nếu thú cưng gây tai nạn chết người thì người chủ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?
Trường hợp thú cưng gây tai nạn dẫn đến chết người, chủ sở hữu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015:
- Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Theo đó thì khung hình phạt nhẹ nhất áp dụng đối với chủ của thú cưng gây tai nạn chết người là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chủ đầu tư có được sử dụng tư cách pháp nhân của mình để tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng không?
- Báo cáo kết quả thực hiện cam kết tu dưỡng rèn luyện của Đảng viên năm 2024? Báo cáo kết quả việc cam kết tu dưỡng rèn luyện?
- Đoàn 759 vận tải thủy có nhiệm vụ chi viện vũ khí cho miền Nam bằng đường biển được thành lập ngày 23 10 1961 do ai làm Đoàn trưởng đoàn 759?
- Tải về mẫu giấy cam kết chịu trách nhiệm mới nhất hiện nay? Giấy cam kết chịu trách nhiệm là gì?
- Mẫu thông báo mời quan tâm dự án đầu tư công trình năng lượng từ 21/11/2024 như thế nào? Tải Mẫu thông báo mời quan tâm?