Bác sĩ gây ra sự cố y khoa thì phải bồi thường thiệt hại thế nào? Thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại là bao lâu?
- Bác sĩ gây ra sự cố y khoa thì phải bồi thường thiệt hại thế nào?
- Thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với người gây ra sự cố y khoa là bao lâu?
- Trong trường hợp xảy ra tai biến trong chữa bệnh mặc dù đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật thì bác sĩ có phải bồi thường thiệt hại không?
Bác sĩ gây ra sự cố y khoa thì phải bồi thường thiệt hại thế nào?
Theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Theo đó, bác sĩ gây ra sự cố y khoa thì phải bồi thường thiệt hại với những khoản chi phí được xác định theo khoản 1 Điều 590 nêu trên.
Ngoài khoản bồi thường thiệt hại về sức khỏe nêu trên, thì bác sĩ này cũng có trách nhiệm bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Lưu ý: Từ ngày 1/7/2023 thì mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng.
Sự cố y khoa (Hình từ Internet)
Thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với người gây ra sự cố y khoa là bao lâu?
Căn cứ Điều 588 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại như sau:
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Theo quy định trên, thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với người gây ra sự cố y khoa là 03 năm kể từ ngày sự cố y khoa này xảy ra.
Trong trường hợp xảy ra tai biến trong chữa bệnh mặc dù đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật thì bác sĩ có phải bồi thường thiệt hại không?
Theo khoản 2 Điều 100 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (Có hiệu lực từ 01/01/2024) quy định như sau:
Xác định người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật
...
2. Người hành nghề không có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật này xác định thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, người hành nghề đã thực hiện đúng trách nhiệm chăm sóc, điều trị người bệnh và các quy định về chuyên môn kỹ thuật nhưng vẫn xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh;
b) Trường hợp cấp cứu nhung do thiếu phương tiện, thiết bị y tế, thuốc, thiếu người hành nghề mà không thể khắc phục được; trường hợp bệnh chưa có hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật để thực hiện dẫn đến xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh;
c) Trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khách quan khác dẫn đến xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh;
d) Trường hợp tai biến y khoa do người bệnh tự gây ra.
...
Theo quy định trên, trong quá trình chữa bệnh nếu bác sĩ đã thực hiện đúng trách nhiệm chăm sóc, điều trị người bệnh và các quy định về chuyên môn kỹ thuật nhưng vẫn xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh thì bác sĩ có thể được Hội đồng chuyên môn xác định là không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.
Và trong trường hợp bác sĩ này được xác định là không có sai sót chuyên môn kỹ thuật thì sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường cho người bệnh theo quy định tại Điều 102 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (Có hiệu lực từ 01/01/2024):
Bồi thường khi xảy ra tai biến y khoa
Trường hợp xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bồi thường cho người bệnh theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 100 của Luật này.
Trước đây, vấn đề này được tư vấn như sau:
Căn cứ khoản 2 Điều 73 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 (Hết hiệu lực từ 01/01/2024) quy định về xác định người hành nghề không có sai sót chuyên môn kỹ thuật như sau:
Xác định người hành nghề có sai sót hoặc không có sai sót chuyên môn kỹ thuật
...
2. Người hành nghề không có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này xác định thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn xảy ra tai biến đối với người bệnh;
b) Trong trường hợp cấp cứu nhưng do thiếu phương tiện, thiết bị kỹ thuật, thiếu người hành nghề theo quy định của pháp luật mà không thể khắc phục được hoặc bệnh đó chưa có quy định chuyên môn để thực hiện dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh; các trường hợp bất khả kháng khác dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh.
Theo Điều 76 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 (Hết hiệu lực từ 01/01/2024) quy định về trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh như sau:
Trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh
1. Trường hợp xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh hoặc trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 73 của Luật này, doanh nghiệp bảo hiểm mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật này thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo quy định của pháp luật.
2. Ngoài việc bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 73 của Luật này thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề không phải bồi thường thiệt hại.
Như vậy, trong trường hợp xảy ra tai biến trong chữa bệnh mặc dù bác sĩ đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật thì người bác sĩ này không phải bồi thường thiệt hại.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu giấy phép xây dựng điều chỉnh cho công trình không theo tuyến theo Nghị định 175 thay thế Nghị định 15?
- Xe máy lắp gương thời trang có bị phạt không? Lắp gương thời trang bên trái bị phạt trong trường hợp nào?
- Ngày 24 1 có sự kiện gì? Ngày 24 1 cung gì? Ngày 24 1 CBCCVC đã được nghỉ Tết Nguyên đán Ất tỵ chưa?
- Mẫu bài phát biểu chia tay CBCCVC nghỉ hưu sớm do chính sách tinh giản biên chế? Tham khảo mẫu?
- Bài phát biểu tổng kết cuối năm của công ty hay và ý nghĩa? Mẫu bài phát biểu tổng kết cuối năm ngắn gọn?