Ý nghĩa ngày Lễ Phục Sinh là gì? Vào ngày Lễ Phục sinh 2025 người lao động là người theo đạo có được nghỉ không?
Ý nghĩa ngày Lễ Phục Sinh là gì?
Lễ Phục Sinh là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của Kitô giáo, kỷ niệm sự kiện Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết sau khi chịu khổ nạn và bị đóng đinh trên thập giá. Đây không chỉ là một ngày lễ thiêng liêng với ý nghĩa sâu sắc trong đức tin Kitô giáo mà còn có ảnh hưởng lớn đến văn hóa, đời sống tinh thần của nhiều quốc gia trên thế giới.
Lễ Phục Sinh bắt nguồn từ sự kiện Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá và phục sinh sau ba ngày, theo lời tiên tri trong Kinh Thánh. Đây là minh chứng cho chiến thắng của sự sống trước cái chết, mang đến niềm hy vọng về sự cứu rỗi và cuộc sống vĩnh hằng cho nhân loại.
Theo lịch Kitô giáo, Lễ Phục Sinh không có ngày cố định, mà được tính theo quy tắc: rơi vào Chủ Nhật đầu tiên sau ngày trăng tròn đầu tiên của mùa xuân (sau ngày 21/3). Vì vậy, mỗi năm, ngày này sẽ thay đổi.
Năm 2025, Lễ Phục Sinh sẽ rơi vào Chủ Nhật, ngày 20/4/2025.
Trong khi đó, Lễ Phục Sinh của Chính Thống giáo (theo lịch Julian) sẽ diễn ra vào ngày 27/4/2025, muộn hơn một tuần so với Công giáo.
*Ý nghĩa của Lễ Phục Sinh trong Kitô giáo
Lễ Phục Sinh không chỉ là một ngày lễ đơn thuần mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Ý nghĩa của Lễ Phục Sinh cụ thể như sau:
(1) Kỷ niệm sự sống lại của Chúa Giêsu
Theo Kinh Thánh, sau khi chịu khổ nạn và bị đóng đinh vào thập giá vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Chúa Giêsu đã sống lại vào sáng Chủ Nhật. Sự kiện này khẳng định rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, chiến thắng sự chết và mang đến ơn cứu độ cho nhân loại. Đây là nền tảng quan trọng trong đức tin của người Kitô hữu.
(2) Kết thúc Mùa Chay và khởi đầu niềm hy vọng mới
Lễ Phục Sinh đánh dấu sự kết thúc của Mùa Chay kéo dài 40 ngày – khoảng thời gian các tín hữu ăn chay, cầu nguyện và sám hối để chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa sống lại.
Bên cạnh đó, Lễ Phục Sinh cũng mở ra một thời kỳ mới, biểu tượng của sự đổi mới, sự sống lại cả về thể xác lẫn tinh thần, giúp các tín hữu sống tốt hơn, hướng đến điều thiện lành.
(3) Tinh thần yêu thương và tha thứ
Sự phục sinh của Chúa Giêsu không chỉ mang đến niềm tin vào sự sống đời sau mà còn nhấn mạnh đến tình yêu thương và sự tha thứ. Người Kitô hữu được nhắc nhở về lòng bao dung, biết yêu thương nhau như Chúa đã hy sinh vì con người.
Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo.
Ý nghĩa ngày Lễ Phục Sinh là gì? Vào ngày Lễ Phục sinh 2025 người lao động là người theo đạo có được nghỉ không? (Hình từ Internet)
Lễ Phục sinh 2025 có phải ngày lễ lớn không?
Căn cứ quy định tại Điều 4 Nghị định 145/2013/NĐ-CP về các ngày lễ lớn như sau:
Các ngày lễ lớn
Các ngày lễ lớn trong nước bao gồm:
1. Ngày Tết Nguyên đán (01 tháng Giêng Âm lịch).
2. Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930).
3. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch).
4. Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).
5. Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954).
6. Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890).
7. Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945).
Theo quy định trên Việt Nam có 8 ngày lễ lớn sau:
(1) Ngày Tết Nguyên đán (01 tháng Giêng Âm lịch).
(2) Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930).
(3) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch).
(4) Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).
(5) Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954).
(6) Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890).
(7) Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945)
(8) Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945).
Như vậy, Lễ Phục sinh 2025 là Chủ Nhật ngày 20 tháng 4 năm 2025 dương lịch (tức ngày 23/03/2025 Âm lịch) không phải là ngày lễ lớn trong năm của Việt Nam.
Lễ Phục sinh 2025 người lao động là người theo đạo có được nghỉ không?
Như đã nói, Lễ Phục Sinh 2025 nhằm vào ngày Chủ nhật 20/04/2025 Dương lịch. Mặt khác, pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào về ngày lễ của người có tín ngưỡng, tôn giáo được ưu ái nghỉ làm việc.
Do đó căn cứ theo Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ hằng tuần như sau:
Nghỉ hằng tuần
1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
3. Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Đồng thời, căn cứ theo Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ lễ, tết như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì ngày Lễ Phục sinh 2025 (Chủ nhật 20/4/2025 DL) không phải là ngày nghỉ lễ, tết mà người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương do Nhà nước quy định.
Do đó, nếu ngày Lễ Phục sinh 2025 (Chủ nhật 20/4/2025 DL) trúng vào ngày làm việc bình thường thì người theo đạo vẫn phải làm việc và không được nghỉ. Trường hợp trùng vào ngày nghỉ hằng tuần theo người sử dụng lao động quyết định, nghỉ việc riêng thì người lao động sẽ được nghỉ vào ngày này.
Mặt khác, người lao động cũng có thể được phép nghỉ nếu chính sách công ty có quy định được nghỉ trong ngày Lễ Phục sinh 2025 (Chủ nhật 20/4/2025 DL).
Ngoài ra, người lao động có nhu cầu nghỉ vào ngày Lễ Phục sinh 2025 (Chủ nhật 20/4/2025 DL) thì có thể làm đơn xin nghỉ hưởng lương hoặc nghỉ không hưởng lương.



- Bỏ lương cơ sở, quyết định mở rộng quan hệ tiền lương của CBCCVC và LLVT sau năm 2026 nhằm mục đích gì?
- Kết luận 150: Vào thời điểm sáp nhập, số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân có thể nhiều hơn so với quy định đúng không?
- Công văn 03: Có giữ lại số lượng cán bộ công chức viên chức khi họ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hay không?
- Mẫu Quyết định về việc điều chỉnh chế độ bảo hiểm xã hội được quy định như thế nào?
- Người học nghề đơn phương chấm dứt hợp đồng học nghề trước thời hạn thì không được hoàn trả phần học phí còn lại có đúng không?