Trọng tài viên có bắt buộc phải giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết?

Cho tôi hỏi tiêu chuẩn của Trọng tài viên được quy định như thế nào? Trọng tài viên có bắt buộc phải giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết? Câu hỏi của anh Tài (Tp.HCM).

Tiêu chuẩn của Trọng tài viên được quy định như thế nào?

Căn cứ khoản 5 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về Trọng tài viên như sau:

Giải thích từ ngữ
...
Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này.

Tại khoản 1 Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về tiêu chuẩn Trọng tài viên như sau:

Tiêu chuẩn Trọng tài viên
1. Những người có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể làm Trọng tài viên:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự;
b) Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên;
c) Trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu nêu tại điểm b khoản này, cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên.

Như vậy, khi một người muốn trở thành trọng tài viên thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, phải có trình độ đại học và đã thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên

Tuy nhiên nếu không đáp ứng được điều kiện về chuyên môn này nhưng họ là những chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn thì cũng có thể trở thành trọng tài viên.

Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định

Tiêu chuẩn Trọng tài viên
...
2. Những người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây không được làm Trọng tài viên:
a) Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án;
b) Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.

Như vậy, nếu một người đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nêu tại khoản 1 Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010 nhưng đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án hoặc đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành bản án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích thì sẽ không được xet làm Trọng tài viên.

Những tiêu chuẩn về trọng tài viên vừa nêu trên chỉ là những tiêu chuẩn tối thiểu do Luật định ra nhằm đảm bảo chất lượng của trọng tài viên, các Trung tâm trọng tài có thể quy định những tiêu chuẩn cao hơn đối với Trọng tài viên của tổ chức mình tùy thuộc vào ý chí mong muốn của Trung tâm miễn sao không trái với quy định của pháp luật.

Trọng tài viên có bắt buộc phải giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết?

Trọng tài viên có bắt buộc phải giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết? (Hình từ Internet)

Trọng tài viên có bắt buộc phải giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết?

Căn cứ Điều 21 Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định về quyền, nghĩa vụ của Trọng tài viên như sau:

Quyền, nghĩa vụ của Trọng tài viên
1. Chấp nhận hoặc từ chối giải quyết tranh chấp.
2. Độc lập trong việc giải quyết tranh chấp.
3. Từ chối cung cấp các thông tin liên quan đến vụ tranh chấp.
4. Được hưởng thù lao.
5. Giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
6. Bảo đảm giải quyết tranh chấp vô tư, nhanh chóng, kịp thời.
7. Tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Như vậy, trọng tài viên phải giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết; trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Đây vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của cơ bản của các trọng tài viên.

Trọng tài viên không giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp do mình giải quyết bị phạt như thế nào?

Căn cứ Điều 27 Nghị định 82/2020/NĐ-CP có quy định như sau:

Hành vi vi phạm quy định về hoạt động của trọng tài viên
...
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tiết lộ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
b) Hoạt động trọng tài thương mại mà không đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm trọng tài viên.

Như vậy, nếu trọng tài viên không giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp do mình giải quyết sẽ bị phạt tiền lên đến 30.000.000 đồng, đồng thời phải nộp lại số lợi bất hợp pháp do có được từ hành vi này

Mức phạt trên dành cho cá nhân. Nếu tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

Trọng tài viên
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Lao động tiền lương
05 Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động mà trọng tài viên phải tuân theo là gì?
Lao động tiền lương
Quyết định bổ nhiệm trọng tài viên tham gia Hội đồng trọng tài lao động được thực hiện trong thời hạn bao lâu?
Lao động tiền lương
Trọng tài viên có bắt buộc phải giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết?
Lao động tiền lương
Tiêu chuẩn của Trọng tài viên được pháp luật quy định như thế nào?
Đi đến trang Tìm kiếm - Trọng tài viên
1,858 lượt xem
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào