Thời giờ làm việc của người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định như thế nào?
Công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là gì?
Công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hiểu là các công việc mà khi thực hiện sẽ có tiếp xúc các yếu tố gây hại, có nguy cơ cao làm tổn thương đến sức khỏe, tinh thần được quy định trong Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được ban hành kèm theo Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH.
Bên cạnh đó, pháp luật lao động có những quy định hạn chế sử dụng người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với các đối tượng là người lao động cao tuổi, người lao động chưa thành niên, người lao động là người khuyết tật và lao động nữ.
Thời giờ làm việc của người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Thời giờ làm việc đối với người lao động làm việc nặng nhọc được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
Như vậy, hiện nay quy định của pháp luật lao động không quy định cụ thể về thời giờ làm việc của người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, chỉ quy định người sử dụng lao động cần bảo đảm giới hạn thời gian tiếp xúc với yếu tố độc hại, nguy hiểm.
Theo đó sẽ tùy theo văn bản pháp luật chuyên ngành quy định mà người sử dụng lao động trong lĩnh vực cụ thể đó sẽ phải tuân thủ theo.
Đối với từng nhóm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có tính chất đặc biệt (như hàng không, dầu khí, đường sắt, thợ lặn, bức xạ hạt nhân...) đều có quy định riêng về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
Trước đây, theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2012 như sau:
Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.
3. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
Theo đó, giai đoạn từ ngày 01/5/2013 (ngày Bộ luật Lao động 2012 chính thức có hiệu lực) đến ngày 01/01/2021 (ngày Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực) thì pháp luật lao động đã cố định thời gian người lao động làm công việc nặng nhọc sẽ làm việc là không quá 6 giờ trong 01 ngày.
Ngoài ra, theo quy định Điều 68 Bộ luật Lao động 1994 như sau:
1- Thời giờ làm việc không quá 8 giờ trong một ngày hoặc 48 giờ trong một tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần, nhưng phải thông báo trước cho người lao động biết.
2- Thời giờ làm việc hàng ngày được rút ngắn từ một đến hai giờ đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh Mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.
Và theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Lao động 1994 như sau:
Những quy định của Bộ luật này được áp dụng đối với các hợp đồng lao động, thoả ước tập thể và những thoả thuận hợp pháp khác đã giao kết trước ngày Bộ luật có hiệu lực. Những thoả thuận có lợi hơn cho người lao động so với những quy định của Bộ luật này vẫn được tiếp tục thi hành. Những thoả thuận không phù hợp với những quy định của Bộ luật phải sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, giai đoạn trước ngày 01/5/2013 (ngày Bộ luật Lao động 2012 chính thức có hiệu lực), pháp luật lao động cũng không cố định cụ thể, chỉ nêu người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được rút ngắn thời giờ làm việc từ 01 đến 02 giờ so với người lao động bình thường.
Như vậy, với tính chất đặc thù công việc mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực thì việc thay đổi quy định thời giờ làm việc của người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là một điểm mới tiến bộ của Bộ luật Lao động 2019, vừa tạo sự linh hoạt cho người sử dụng lao động vừa đảm bảo được quyền của người lao động
Người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại sẽ được nghỉ hằng năm như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Nghỉ hằng năm
1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
...
Như vậy, người lao động sẽ có thời gian nghỉ hằng năm là 14 ngày nếu làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, 16 ngày nếu làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Giáng sinh 2024 vào ngày mấy, thứ mấy? Giáng sinh là ngày gì? Giáng sinh có phải ngày lễ tết của người lao động không?
- Nghị quyết 18: Hướng dẫn thực hiện cải cách tiền lương cán bộ công chức viên chức và người lao động tại đơn vị sự nghiệp y tế cần trích nguồn thu để lại để tạo nguồn, vậy tỷ lệ trích nguồn thu như thế nào?
- Thống nhất mốc thưởng hơn 9 triệu, hơn 18 triệu lần lượt vào năm 2024, năm 2025 cho đối tượng hưởng lương từ NSNN thuộc phạm vi quản lý của BQP hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cụ thể ra sao?
- Đã chốt 02 bảng lương của đối tượng thuộc lực lượng vũ trang chính thức thay đổi bằng 03 bảng lương mới khi cải cách chính sách tiền lương sau 02 năm nữa chưa?