Những vấn đề cần lưu ý khi lập phương án sử dụng lao động?
Phương án sử dụng lao động là gì?
Theo Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn hiện hành thì không có quy định nào nêu rõ định nghĩa về phương án sử dụng lao động. Tuy nhiên, ta có thể hiểu phương án sử dụng lao động được xem như là một bản kế hoạch về việc sẽ điều chỉnh người lao động nhằm sắp xếp, bố trí, phân công lao động tại doanh nghiệp, được lập ra khi có sự thay đổi về số lượng người lao động trong doanh nghiệp.
Những vấn đề cần lưu ý khi lập phương án sử dụng lao động? (Hình từ Internet)
Những vấn đề cần lưu ý khi lập phương án sử dụng lao động?
(1) Trường hợp phải xây dựng phương án sử dụng lao động
Người sử dụng lao động phải xây dựng phương án sử dụng lao động trong các trường hợp sau:
- Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động.
- Trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc.
- Trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động.
(Theo Điều 42 và Điều 43 Bộ luật Lao động 2019)
(2) Nội dung chủ yếu của phương án sử dụng lao động
Phương án sử dụng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau:
- Số lượng và danh sách người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động được đào tạo lại để tiếp tục sử dụng, người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian;
- Số lượng và danh sách người lao động nghỉ hưu;
- Số lượng và danh sách người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;
- Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động và các bên liên quan trong việc thực hiện phương án sử dụng lao động;
- Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.
(Theo khoản 1 Điều 44 Bộ luật Lao động 2019)
(3) Trao đổi ý kiến khi xây dựng phương án sử dụng lao động
Khi xây dựng phương án sử dụng lao động, người sử dụng lao động phải trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Trình tự trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như sau:
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm gửi văn bản kèm theo nội dung cần tham khảo, trao đổi ý kiến đến các thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên người lao động;
- Các thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên người lao động có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến người lao động do mình đại diện và tổng hợp thành văn bản của từng tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhóm đại diện đối thoại của người lao động để gửi tới người sử dụng lao động; trường hợp nội dung đối thoại liên quan đến quyền, lợi ích của lao động nữ thì cần bảo đảm lấy ý kiến của họ;
- Căn cứ ý kiến của các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhóm đại diện đối thoại của người lao động, người sử dụng lao động tổ chức đối thoại để thảo luận, trao đổi ý kiến, tham vấn, chia sẻ thông tin về những nội dung người sử dụng lao động đưa ra;
- Số lượng, thành phần tham gia, thời gian, địa điểm tổ chức đối thoại do hai bên xác định theo quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
- Diễn biến đối thoại phải được ghi thành biên bản và có chữ ký của đại diện các bên tham gia đối thoại theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
- Chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đối thoại, người sử dụng lao động có trách nhiệm công bố công khai tại nơi làm việc những nội dung chính của đối thoại; tổ chức đại diện người lao động (nếu có), nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) phổ biến những nội dung chính của đối thoại đến người lao động là thành viên.
(Theo khoản 2 Điều 44 Bộ luật Lao động 2019, Điều 41 Nghị định 145/2020/NĐ-CP)
(4) Thông báo phương án sử dụng lao động
Phương án sử dụng lao động phải được thông báo công khai cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được thông qua.
(Theo khoản 2 Điều 44 Bộ luật Lao động 2019)
Lập phương án sử dụng lao động không đảm bảo đầy đủ các nội dung chủ yếu thì bị xử phạt như thế nào?
Người sử dụng lao động có hành vi lập phương án sử dụng lao động nhưng không đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định của pháp luật thì bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 5 - 10 triệu đồng (mức phạt cá nhân) và từ 10 - 20 triệu đồng (mức phạt tổ chức).
(Theo khoản 3 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?