Người lao động nghỉ hưu có được hưởng trợ cấp thôi việc không?
Điều kiện để người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động khi:
- Người lao động đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên trước khi nghỉ việc.
- Chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9, 10 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể, các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động trên bao gồm:
+ Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 Bộ luật Lao động 2019.
+ Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
+ Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
+ Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
+ Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
+ Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019.
+ Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2019.
Người lao động nghỉ hưu có được hưởng trợ cấp thôi việc không? (Hình từ Internet)
Người lao động nghỉ hưu có được hưởng trợ cấp thôi việc không?
Căn cứ khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, được hướng dẫn bởi khoản 1, khoản 3 đến 6 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc, trừ các trường hợp sau:
- Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019.
Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019.
Như vậy, nếu người lao động nghỉ hưu mà đủ điều kiện hưởng lương hưu thì sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc
Người lao động được hưởng lương hưu khi nào?
Để được hưởng lương hưu, người lao động cần đáp ứng điều kiện tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 bao gồm:
(1) Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trừ trường hợp (3) dưới đây, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019;
- Đủ tuổi theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021;
- Người lao động có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò; hoặc
- Người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
(2) Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, trừ trường hợp Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999, Luật Công an nhân dân 2018, Luật Cơ yếu 2011, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 có quy định khác;
- Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021;
- Người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
(3) Lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 thì được hưởng lương hưu.
Lưu ý: Điều kiện về tuổi hưởng lương hưu đối với một số trường hợp đặc biệt sẽ do Chính phủ quy định.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?