Người lao động có được mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội của chính mình?
Sổ bảo hiểm xã hội có phải là tài sản mua bán, cầm cố?
Căn cứ theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định đối tượng của hợp đồng cầm cố gồm các loại tài sản:
Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Đồng thời, căn cứ theo Điều 96 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về sổ bảo hiểm như sau:
Sổ bảo hiểm xã hội
1. Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
2. Đến năm 2020, sổ bảo hiểm xã hội sẽ được thay thế bằng thẻ bảo hiểm xã hội.
3. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục tham gia và giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội bằng phương thức giao dịch điện tử.
Như vậy, sổ bảo hiểm xã hội không phải tài sản mà nó chỉ là chứng từ được cấp cho người lao động để người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội do đó sổ bảo hiểm xã hội không được dùng để mua bán, cầm cố.
Người lao động có quyền và trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm xã hội (Hình từ Internet)
Người lao động có quyền và trách nhiệm như thế nào khi tham gia bảo hiểm xã hội?
Tại Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về quyền của người lao động như sau:
Quyền của người lao động
1. Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
2. Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.
3. Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:
a) Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền;
b) Thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng;
c) Thông qua người sử dụng lao động.
4. Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:
a) Đang hưởng lương hưu;
b) Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;
c) Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;
d) Đang hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
5. Được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 của Luật này và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội.
6. Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
7. Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội; định kỳ hằng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
8. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Điều 19 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về trách nhiệm của người lao động như sau:
Trách nhiệm của người lao động
1. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
2. Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm xã hội.
3. Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội.
Như vậy, người lao động được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, người lao động có quyền cấp và quản lý sổ bảo hiểm của mình cũng như chịu trách nhiệm về việc bảo quản sổ.
Đồng thời, luật cũng không quy định về việc người lao động có quyền mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm. Do đó trường hợp người lao động thực hiện những việc không phải quyền của mình sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Người lao động có được mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội của chính mình?
Theo khoản 2 Điều 46 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 (Được sửa đổi bởi khoản 72 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020) trường hợp người lao động mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội của mình sẽ không thuộc trường hợp được cấp lại sổ.
Như đề cập ở trên, người lao động không có quyền mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội của chính mình. Trường hợp người lao động thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;
c) Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
Như vậy, trường hợp người lao động mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm sẽ không còn được cấp lại sổ bảo hiểm.
Tuy nhiên hiện nay pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội chưa có quy định điều chỉnh hay, xử phạt cụ thể cho hành vi mua bán sổ BHXH.
Việc bán sổ BHXH có thể dẫn đến hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp sau này.
Trường hợp vi phạm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người lao động có thể bị phạt từ tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?