Người cai thầu trục lợi từ phần lương của người lao động thì người sử dụng lao động phải làm gì?
Cai thầu là gì?
Theo từ điển Tiếng Việt thì cai thầu là người đứng trung gian nhận việc của chủ chính sau đó thuê mướn và điều hành người lao động làm việc, hoàn thành công việc đã nhận với chủ chính. Trong Bộ luật Lao động 2019, khái niệm người cai thầu chỉ xuất hiện trong Chương tiền lương về quy định về trả lương thông qua người cai thầu (cụ thể tại Điều 100 Bộ luật Lao động 2019) mặc dù mối quan hệ giữa người sử dụng lao động - cai thầu - người lao động làm việc thông qua cai thầu là mối quan hệ khá phức tạp.
Người cai thầu trục lợi từ phần lương của người lao động thì người sử dụng lao động phải làm gì? (Hình từ Internet)
Người cai thầu trục lợi từ phần lương của người lao động thì người sử dụng lao động phải làm gì?
Tại khoản 2 Điều 100 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Trả lương thông qua người cai thầu
...
2. Trường hợp người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự không trả lương hoặc trả lương không đầy đủ và không bảo đảm các quyền lợi khác cho người lao động thì người sử dụng lao động là chủ chính phải chịu trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi cho người lao động.
Trong trường hợp này, người sử dụng lao động là chủ chính có quyền yêu cầu người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự đền bù hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
Theo quy định trên, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho người lao động, người sử dụng lao động là chủ chính và xác định trách nhiệm có tính liên đới của người cai thầu thì trong trường hợp mà người cai thầu trục lợi từ phần lương của người lao động thì người sử dụng lao động là chủ chính phải có trách nhiệm trả lương cho người lao động, đồng thời có thể xử lý người cai thầu theo 2 cách sau:
- Một là, người sử dụng lao động là chủ chính có quyền yêu cầu người cai thầu tự mình thực hiện việc đền bù vì đã trục lợi từ phần lương của người lao động và đảm bảo quyền lợi cho người lao động về vấn đề an toàn vệ sinh lao động.
- Hai là, người sử dụng lao động là chủ chính yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật. Việc giải quyết tranh chấp lao động rất phức tạp và tốn nhiều thời gian, vì vậy chỉ nên thực hiện cách xử lý này trong trong trường hợp người cai thầu không tự mình đền bù và không chịu trách nhiệm với người sử dụng lao động.
Người chủ chính không thay người cai thầu trả lương cho người lao động thì bị xử lý như thế nào?
Như đã nêu trên, trường hợp người cai thầu trục lợi từ phần lương của người lao động thì người chủ chính phải có trách nhiệm trả lương và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Do đó, trường hợp người chủ chính không thay người cai thầu trả lương cho người lao động thì sẽ sẽ bị xử phạt theo Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về tiền lương
...
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: ...; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; ... theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
…
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
…
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
Như vậy, người chủ chính không thay người cai thầu trả lương cho người lao động sẽ bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (Tùy thuộc vào số lượng người lao động) và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Lưu ý, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có nêu:
Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, mức phạt đối với hành vi không trả, không trả đủ lương cho người lao động nêu trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân vi phạm, trường hợp vi phạm là các tổ chức như là doanh nghiệp, công ty thì mức xử phạt sẽ gấp đôi.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?