Mức hưởng chế độ ốm đau dài ngày cho những ngày nghỉ trọn tháng là bao nhiêu?
Mức hưởng chế độ ốm đau dài ngày cho những ngày nghỉ trọn tháng là bao nhiêu?
Căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH), mức hưởng chế độ ốm đau dài ngày cho những ngày nghỉ trọn tháng được tính như sau:
Mức hưởng = Tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc x Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau x Số tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau
Lưu ý:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, đối với người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng chế độ ốm đau dài ngày cho những ngày nghỉ không trọn tháng được tính như sau:
Mức hưởng = (Tiền lương đóng BHXH của tháng đó : 24) x Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau x Số ngày nghỉ
Mức hưởng chế độ ốm đau dài ngày cho những ngày nghỉ trọn tháng là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau dài ngày được xác định như thế nào?
Tại Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Mức hưởng chế độ ốm đau
1. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 26, Điều 27 của Luật này thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.
2. Người lao động hưởng tiếp chế độ ốm đau quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật này thì mức hưởng được quy định như sau:
a) Bằng 65% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên;
b) Bằng 55% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
c) Bằng 50% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.
3. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật này thì mức hưởng bằng 100% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
4. Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.
Theo đó, tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau dài ngày được xác định như sau:
- 75%: Tính cho thời gian 180 ngày nghỉ đầu.
- Sau khi hưởng hết thời gian 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau cho thời gian tiếp theo được tính như sau:
+ 65%: Tính cho trường hợp đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên, đã nghỉ hết 180 ngày mà vẫn phải tiếp tục điều trị.
+ 55%: Tính cho trường hợp đóng BHXH đủ 15 năm đến dưới 30 năm, đã nghỉ hết 180 ngày mà vẫn phải tiếp tục điều trị.
+ 50%: Tính cho trường hợp đóng BHXH dưới 15 năm, đã nghỉ hết 180 ngày mà vẫn phải tiếp tục điều trị.
Người lao động nghỉ ốm đau dài ngày có phải đóng bảo hiểm y tế không?
Ốm đau dài ngày được hiểu là những trường hợp mà người lao động mắc phải các bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành tại Thông tư 46/2016/TT-BYT.
Tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP có quy định như sau:
Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế
1. Mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của các đối tượng được quy định như sau:
a) Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
- Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế;
- Người lao động trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng của người lao động. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh;
b) Bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này;
c) Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản đối với đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định này;
d) Bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp đối với đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị định này;
đ) Bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với các đối tượng khác;
e) Mức đóng bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Việc giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm này được thực hiện khi các thành viên tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.
Theo đó người lao động trong thời gian nghỉ ốm đau dài ngày (từ 14 ngày trở lên trong tháng) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?